Ý nghĩa

Hằng thuận gọi đủ là “Hằng thuận chúng sinh”, lời nguyện thứ 9 của Bồ-tát Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm.

Trong triết học Phật giáo, chúng sinh được hiểu bao gồm các loại hình động vật và thực vật. Khái niệm “chúng sinh” trong ngữ cảnh này được hiểu là “con người” mà theo bản chất cấu tạo là “do chúng duyên nhi sinh” tức được hình thành từ nhiều duyên. “Hằng thuận chúng sinh” có nghĩa đen là luôn luôn hòa thuận và đoàn kết với người khác. Gần một thế kỷ trôi qua, phần lớn Phật tử vẫn chưa hiểu Lễ hằng thuận là lễ cưới, do tên gọi Hán Việt của nó.

Trong văn hóa hôn nhân Phật giáo, hằng thuận là kỹ năng sống hòa thuận, tâm đầu ý hợp, cùng chia sẻ trách nhiệm và hạnh phúc trong hôn nhân. Thông qua Lễ hằng thuận, đôi tân hôn phải sống hòa thuận, nhường nhịn trong tinh thần tương kính. Đây là mấu chốt của đời sống hạnh phúc gia đình.

Trong văn học kinh Thánh của các tôn giáo, có thể nói kinh Phật đề cập nhiều nhất đến tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình cho người tại gia. Rất tiếc là, hơn 2000 năm qua, người tại gia sử dụng chung nghi thức tu học với người xuất gia theo phong cách của các Tổ sư, chỉ tập trung vào một bài kinh pháp môn. Trọng tâm của đời sống tâm linh xuất gia là chuyển hóa ái dục, thánh hóa bản thân, trở thành thánh nhân, trải nghiệm giải thoát. Do đó trong các nghi thức đọc tụng tại các chùa, ngoài cầu an, cầu siêu, sám hối... không có nghi thức lễ cưới.

Trong kinh điển Phật giáo, người tại gia được đức Phật cho phép hưởng hạnh phúc trần đời với tình yêu và hôn nhân gia đình theo tinh thần một vợ một chồng. Việc tổ chức lễ cưới tại chùa thông qua nghi thức Lễ thành hôn là nhu cầu cần thiết, mang ý nghĩa văn hóa, đạo đức và tâm linh.

Về phương diện văn hóa, tổ chức lễ cưới tại chùa là truyền thống tốt đẹp, theo đó, không có các loài gia súc bị giết chết, không có rượu bia được thết đãi, không có thuốc lá được hút, không có cờ bạc và các loại vui chơi thấp kém. Đề cao và mở rộng truyền thống tổ chức lễ cưới tại chùa chắc chắn sẽ mang lại hạnh phúc gia đình.

Về phương diện đạo đức và tâm linh, tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ giúp cho chú rể và cô dâu hiểu rõ năm trách nhiệm đạo đức xã hội của mỗi bên, cũng như năm trọng trách trong việc giáo dục con cái. Được chúc phúc và được hướng dẫn nghệ thuật sống hạnh phúc trong thương yêu và tương kính, đôi vợ chồng sẽ cam kết chăm sóc và bảo hộ hạnh phúc cho nhau và vì nhau. Theo đó, tình trạng “chồng chúa, vợ tôi” và các hình thức chủ nghĩa “gia trưởng” sẽ không thể tồn tại.

Ngoài các ràng buộc trong hôn nhân như yêu cầu thể hiện nghĩa vụ và quyền lợi, vợ và chồng phải xem nhau là đôi bạn đời, dìu dắt nhau trên mọi nẻo đường. Khi nghĩ chồng/ vợ là bạn đời của nhau thì sự chung thủy sẽ được siết chặt, việc chăm sóc và mang lại hạnh phúc cho người kia sẽ trở thành sự tình nguyện trong niềm hoan hỷ. Ý niệm “bạn đời” giúp cho vợ chồng sống với nhau bằng tinh thần dâng hiến và phục vụ, thay vì đòi hỏi hoặc yêu cầu bên còn lại phải đáp ứng hay chiều chuộng mình.

Về nội dung nghi thức: Các nghi thức lễ cưới trong hơn tám thập niên qua tại các chùa Việt Nam, quý Tăng Ni thường đọc thần chú Đại Bi và Tâm Kinh Bát-nhã. Chú Đại Bi được sử dụng chúc phúc. Tâm Kinh Bát-nhã bằng âm Hán Việt nên khó hiểu, nếu không nói là xa lạ và không liên hệ trực tiếp đến nội dung lễ cưới.

Nghi thức lễ cưới này sử dụng kinh Thiện Sinh do tôi dịch từ kinh Trường A-hàm, làm bài tụng chính, có khả năng soi sáng đời sống hạnh phúc gia đình và các mối quan hệ xã hội bao gồm cha mẹ và con cái, bà con huyết thống, tình làng nghĩa xóm, thầy giáo và học trò, chủ lao động và hợp tác lao động và Tăng Ni và Phật tử. Tính hợp thời của bản kinh này được xem là siêu việt thời gian và phù hợp với các nền văn hóa lớn trên thế giới.

Đôi tân hôn và bà con hai họ đọc kinh Thiện Sinh trước khi chính thức tác lễ hôn phối sẽ có những chấn động tâm thức, dẫn đến sự tình nguyện thực hiện các chuẩn mực đạo đức gia đình theo trình tự: Tình yêu, hôn nhân, làm cha mẹ, sanh con cái… từ đó tương quan vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em, gia đình và làng xóm... được thể hiện một cách trọn vẹn.

Trong phần “Bốn điều phát nguyện” trong hôn nhân, ngoài việc nhắc nhở vợ chồng sống chung thủy và hạnh phúc trong hôn nhân, còn đề cao việc giữ gìn truyền thống văn hóa và đạo đức Việt Nam, đồng thời cam kết hướng dẫn con cháu trở thành Phật tử từ nhỏ, xây dựng hạnh phúc và tương lai của các con.

Phần hướng dẫn “Trao nhẫn cưới” cần ngắn gọn và mang ý nghĩa soi sáng để đôi tân hôn hiểu được ý nghĩa “trao nhẫn cưới cho nhau là trao trái tim yêu đương trong hiểu biết và cảm thông theo tinh thần: “Dầu cho vật đổi sao dời/ Tình chồng nghĩa vợ trọn đời bên nhau”.
Lời chúc phúc của thầy chủ lễ cần nhấn mạnh đến các yếu tố xây dựng hạnh phúc gia đình, trách nhiệm của vợ chồng, thể hiện sự hòa kính đối với gia đình hai họ và nghệ thuật vượt qua những khó khăn chung. Vì là chúc phúc trong lễ cưới, lời pháp thoại không nên quá dài.

Hy vọng rằng giới trẻ Phật giáo ý thức nhiều hơn về ý nghĩa văn hóa, đạo đức và tâm linh của việc tổ chức lễ cưới tại chùa, tình nguyện và yêu cầu gia đình thực hiện nghi thức lễ cưới tại chùa một cách trang nghiêm và trọng thể.

Chùa Giác Ngộ
TT. Thích Nhật Từ

Nghi thức Lễ hằng thuận

A
A
  • 1 CUNG THỈNH TĂNG ĐOÀN
  • 2 TUYÊN BỐ LÝ DO
  • 3 GIỚI THIỆU TĂNG ĐOÀN VÀ QUAN KHÁCH
  • 4 NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN
  • 5 BỐN ĐIỀU PHÁT NGUYỆN
  • 6 TRAO NHẪN CƯỚI
  • 7 LỜI CHÚC PHÚC CỦA HAI HỌ
  • 8 CẢM ƠN CỦA ĐÔI TÂN HÔN
  • 9 PHÁP THOẠI CỦA CHỦ LỄ
  • 10 HỒI HƯỚNG VÀ CHỤP ẢNH LƯU NIỆM

Kính lạy đức Phật Thích Ca Mâu-ni
(MC tự đọc tên) xin hân hoan chào đón quý vị quan khách, quý họ hàng thân hữu đã đến chung vui trong tiệc cưới hôm nay.
Lời đầu tiên cho phép (MC tự đọc tên) thay mặt Ban Tổ chức xin gửi đến toàn thể quý vị quan khách lời chúc sức khỏe và lời chào mừng nồng nhiệt nhất!
Toàn thể đạo tràng đã an tọa trang nghiêm, chúng con thành tâm cung thỉnh Thượng tọa Trụ trì và Tăng đoàn chùa Giác Ngộ quang lâm điện Phật, cử hành Lễ hằng thuận cho đôi chú rể…………….........và cô dâu......………………
(Mở nhạc cưới).
(Khi Thượng tọa Trụ trì và Tăng đoàn đi vào chánh điện) Kính mời quý Phật tử cùng đứng lên, đón tiếp Thượng tọa Trụ trì và Tăng đoàn quang lâm.
Giờ đây, trân trọng kính mời quan viên hai họ và quý vị quan khách cùng lắng nghe nhạc khúc ……………….., để cầu chúc trăm năm hạnh phúc cho đôi giai ngẫu.
 

Vấn đáp về Lễ hằng thuận

Những câu hỏi thường gặp

  • Lễ hằng thuận là gì?
  • Tại sao nên làm lễ cưới tại Chùa?

Hằng thuận gọi đủ là “Hằng thuận chúng sinh”, lời nguyện thứ 9 của Bồ-tát Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm.

Trong triết học Phật giáo, chúng sinh được hiểu bao gồm các loại hình động vật và thực vật. Khái niệm “chúng sinh” trong ngữ cảnh này được hiểu là “con người” mà theo bản chất cấu tạo là “do chúng duyên nhi sinh” tức được hình thành từ nhiều duyên. “Hằng thuận chúng sinh” có nghĩa đen là luôn luôn hòa thuận và đoàn kết với người khác. Gần một thế kỷ trôi qua, phần lớn Phật tử vẫn chưa hiểu Lễ hằng thuận là lễ cưới, do tên gọi Hán Việt của nó.

Trong văn hóa hôn nhân Phật giáo, hằng thuận là kỹ năng sống hòa thuận, tâm đầu ý hợp, cùng chia sẻ trách nhiệm và hạnh phúc trong hôn nhân. Thông qua Lễ hằng thuận, đôi tân hôn phải sống hòa thuận, nhường nhịn trong tinh thần tương kính. Đây là mấu chốt của đời sống hạnh phúc gia đình.