Điều 1. Danh xưng của đạo tràng
1. Đạo tràng tu học dưới sự hướng dẫn của Sư phụ sáng lập được gọi là “Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay”. Đạo Phật Ngày Nay là tổ chức tâm linh, tu theo “bốn chân lý thánh” (tứ đế), nhấn mạnh tám chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định) là con đường trung đạo, được đức Phật khám phá, nhằm xây dựng “Tịnh độ nhân gian” theo tinh thần nhập thế của đạo Phật.
2. Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay gồm những Tăng Ni và cư sĩ Phật tử có phẩm chất đạo đức và lý tưởng Phật pháp, sống theo phương châm hòa hợp, đoàn kết, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Tịnh độ; có tinh thần dấn thân và phụng sự xã hội theo tinh thần Phật dạy.
Điều 2. Văn phòng của Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay
1. Văn phòng của Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay đặt tại chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP. HCM.
2. Đối với các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay chi nhánh, văn phòng của Đạo tràng thường gắn liền với một ngôi chùa chi nhánh của chùa Giác Ngộ hoặc chùa trực thuộc, hoặc ngôi chùa chấp nhận phương pháp tu học của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
Điều 3. Mục đích của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay
1. Tổ chức và hướng dẫn Phật tử tu học theo “bốn chân lý thánh” (tứ thánh đế), đặc biệt là bát chánh đạo, nhằm góp phần xây dựng một Tịnh độ tại trần thế qua các phương diện giáo dục, hoằng pháp, văn hóa và từ thiện, giúp người có niềm tin Phật pháp ngày càng tinh tấn trong lý tưởng phục vụ nhân sinh theo tinh thần vô ngã, vị tha; đồng thời giúp người chưa biết đạo Phật có thể quy ngưỡng Phật, Pháp, Tăng, sống an vui và hạnh phúc, bây giờ và tại đây.
2. Xây dựng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay thích ứng với văn hóa Việt Nam, cho người Việt Nam; khích lệ và phổ biến các nghi thức tụng niệm thuần Việt nhằm giúp người Việt Nam hiểu được Phật pháp và hành trì Phật pháp hiệu quả hơn.
3. Truyền bá Phật pháp bằng các phương tiện hiện đại; tham gia các hoạt động hoằng pháp, tạo môi trường giáo dục các Phật tử (gồm mọi lứa tuổi) sống cuộc đời thanh cao, thiểu dục, tri túc; gương mẫu trong đời sống đạo đức; siêng năng trong học Phật; không ngại gian lao, không từ khó nhọc, góp phần xây dựng đất nước và phát triển Phật giáo.
4. Tổ chức các hoạt động nhân đạo và từ thiện song song với hoằng pháp; cứu giúp các nạn nhân thiên tai, tặng quà và thuyết giảng Phật pháp tại các trại giam, Trung tâm giáo dục lao động, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm người già và tàn tật, Trung tâm cô nhi, mổ mắt cườm cho bệnh nhân nghèo, tổ chức khóa tu cho bệnh nhân ung bướu và khiếm thị…
5. Tổ chức và tích cực tham gia các sự kiện văn hóa Phật giáo như nhịp cầu nhằm giúp người hữu duyên đến với đạo Phật, trở thành Phật tử, sống có ý nghĩa, hữu ích và hạnh phúc hơn.
6. Hướng dẫn và khích lệ các bậc cha mẹ và giới trẻ thấy được tầm quan trọng của việc tổ chức lễ Hằng thuận (lễ cưới) tại Chùa để đôi tân hôn được sự chứng minh của Tăng đoàn, hiểu rõ cách duy trì hạnh phúc gia đình bền vững.
7. Tổ chức và tham gia “hộ niệm” thân nhân của hội viên trong các dịp bệnh nặng, hấp hối, lễ tang, bảy tuần thất, cúng giỗ hàng năm nhằm giúp cho người còn sống được lợi lạc, người qua đời được siêu thoát.
8. Tích cực tham gia phục vụ các hoạt động Phật sự tại chùa chi nhánh, chùa trực thuộc và các tự viện mà Đạo tràng Phật Ngày Nay đang sinh hoạt.
9. Giúp đỡ những bạn đồng tu ngày càng tinh tấn trong tu học và làm Phật sự; hướng dẫn và giúp đỡ thân bằng và thân hữu của các hội viên được quy y Tam bảo, làm người Phật tử chân chánh, tham gia các sinh hoạt Phật giáo; siêng năng nghe giảng Phật pháp tại các giảng đường để tăng tưởng phước đức và trí tuệ.
Điều 4. Tông chỉ
1. Về pháp tu cốt lõi: Tăng, Ni và Phật tử Chùa Giác Ngộ và các chùa trực thuộc tu tập “bốn chân lý thánh”, nhấn mạnh “trung đạo” như đức Phật đã dạy trong Kinh chuyển pháp luân. Phương pháp tâm linh này khích lệ mọi người tiếp cận, giải quyết khổ đau và nghịch cảnh qua bốn bước: Thừa nhận khổ đau, truy tìm nguyên nhân, trải nghiệm hạnh phúc và tu tám chánh đạo (tầm nhìn chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành động chân chính, nghề nghiệp chân chính, nỗ lực chân chính, chính niệm hiện tiền và chánh định).
2. Về thiền định: Tăng, Ni và Phật tử Chùa Giác Ngộ và các chùa trực thuộc thực tập “thiền chỉ” (samatha bhāvanā) với 40 đề mục thiền nhằm phát triển định (samādhi bhāvanā) và tu thiền minh sát (vipassanā bhāvanā) còn gọi là thiền tứ niệm xứ, hay thiền chính niệm gồm quán chiếu và quản trị thân, cảm xúc, tâm và các ý niệm nhằm phát triển trí tuệ (panñnñā bhāvanā); xa lìa các tham đắm, kết thúc các phiền não trói buộc, giải thoát các khổ đau và chứng ngộ niết-bàn.
3. Về đạo đức: Tăng đoàn và Ni đoàn giữ đầy đủ các điều giới luật; giữ gìn chính niệm trong đi, đứng, ngồi, nằm; co – duỗi, nói – nín, động – tịnh và thức – ngủ. Phật tử tại gia thực tập 5 điều đạo đức (không giết người, bảo vệ hòa bình; không trộm cắp, chia sẻ sở hữu; không ngoại tình, chung thủy vợ chồng; không dối gạt, nói sự thật, nói hòa hợp, nói lịch sự, nói có ích; không sử dụng ma túy và rượu gây say, giữ sức khỏe).
4. Về nhập thế: Tăng, Ni và Phật tử Chùa Giác Ngộ và các chùa trực thuộc tinh tấn phụng sự nhân sinh qua các hoạt động: (i) Giáo dục Phật giáo, (ii) hoằng pháp độ sinh, (iii) truyền bá văn hóa Phật giáo và (iv) làm việc nhân đạo và từ thiện.
5. Về phước thiện: Các Phật tử tinh tấn: (i) Tri ân và đền đáp 4 ân lớn (ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân tổ quốc và ân đồng loại), (ii) Siêng cúng dường và bố thí, (iii) Tích cực tham gia các Phật sự và thiện sự, (iv) Hiến máu, hiến mô, hiến tạng và hiến thi thể cho y học, (v) Tin sâu và sống đúng với nhân quả, (vi) Dẫn dắt người thân, con cháu và mọi người làm con Phật để trải nghiệm hạnh phúc trong đời.
Điều 5. Hệ thống tổ chức của Tổng Đạo tràng
1. Cơ chế làm việc. Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay sẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần hòa hợp và dân chủ theo lời Phật dạy. Trong trường hợp có những bất đồng về học Phật, tu Phật, làm Phật sự và thiện sự giữa các thành viên trong Ban lãnh đạo Đạo tràng thì Sư phụ sáng lập sẽ có quyền quyết định cuối cùng.
2. Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay. Là Ban điều hành cao nhất của các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay trên toàn quốc. Tổng Đạo tràng do Sư phụ sáng lập trực tiếp lãnh đạo, với sự trợ giúp của Ban lãnh đạo Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
3. Thành phần nhân sự. Ban điều hành Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay toàn quốc bao gồm: 01 Trưởng Ban, 01 Phó Ban thường trực, 05 Phó Ban chuyên trách (Khóa tu, Từ thiện, Truyền thông, Hậu cầu, Hộ niệm), 01 Thư ký, 02 Phó Thư ký, 01 Thủ quỹ, các ủy viên thường trực và các ủy viên được phân công theo sở trường và năng lực phục vụ. Số lượng các vị Phó Ban có thể được bổ sung, tùy theo nhu cầu thực tế.
4. Ban điều hành Tổng Đạo tràngBan điều hành Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay là một tập thể được Sư phụ sáng lập bổ nhiệm và sinh hoạt theo Điều lệ này.
Ban điều hành Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay có trách nhiệm điều hành sinh hoạt của đạo tràng, chịu trách nhiệm đối nội và đối ngoại, hướng dẫn các thành viên học Phật, tu Phật, làm Phật sự và thiện sự theo tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, phù hợp với Luật pháp Việt Nam.
Điều 6. Trưởng ban Tổng Đạo tràng
1. Là người đứng đầu Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay, được Tổng đạo tràng bổ nhiệm, có trách nhiệm điều hành sinh hoạt tu học của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay theo nhiệm kỳ.
2. Nắm vững và điều hành chương trình học Phật, tu Phật, làm Phật sự, thiện sự và tổ chức các khóa tu theo tinh thần Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay; phân công trách nhiệm cho các thành viên trong Đạo tràng và các bộ phận trực thuộc.
3. Ký tên, đóng dấu các loại giấy tờ có liên hệ chính quyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trình Ban lãnh đạo Tổng Đạo tràng các chương trình tu học định kỳ và hàng năm.
4. Đề xuất tuyên dương công đức đối với các cá nhân và tập thể có nhiều đóng góp trong năm lên Tổng đạo tràng để tuyên dương trong ngày truyền thống của Tổng đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
Điều 7. Các Phó ban chuyên trách Tổng Đạo tràng
Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay có 05 Ban chuyên trách. Số lượng các Ban có thể tăng/ giảm tùy theo nhu cầu, do Trưởng Ban quyết định bổ sung. Mỗi Ban đều có 01 trưởng ban, 02 phó ban chuyên trách, 01 thư ký, 01 thủ quỹ và 15-20 thành viên. Tùy theo sở trường và chuyên môn, các Ban trực thuộc Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay có danh xưng sau đây:
1. Phó Ban chuyên trách Khóa tu: Mời gọi những người có năng lực quản trị và tổ chức tham gia điều hành các khóa tu học Đạo Phật Ngày Nay gồm: (i) khóa tu ngày an lạc, (ii) khóa tu thiền, (iii) khóa tu tuổi trẻ hướng Phật và (iv) khóa tu búp sen từ bi...
2. Phó Ban chuyên trách Từ thiện: Mời gọi những mạnh thường quân và Phật tử chuyên làm việc nhân đạo và từ thiện xã hội; tổ chức và điều hành các hoạt động nhân đạo, từ thiện và ấn tống kinh sách, máy giảng pháp... theo tinh thần Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
3. Phó Ban chuyên trách Hộ niệm: Mời gọi những Phật tử tham gia và tổ chức các khóa kinh hộ niệm cầu an và cầu siêu cho các thành viên và thân nhân của các thành viên thuộc đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
4. Phó Ban chuyên trách Truyền thông: Mời gọi những Phật tử có năng lực chuyên môn tham gia; điều hành công tác quay phim, chụp ảnh và truyền thông các hoạt động Phật sự của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
5. Phó Ban chuyên trách Hậu cần: Mời gọi những Phật tử phát tâm làm công tác hậu cần và điều hành các công việc như công quả, phục vụ, trang trí, vận chuyển, vệ sinh, trật tự và các việc liên hệ khác.
6. Các Tổ trưởng. Nối kết theo khu vực địa dư, các Tổ trưởng chịu trách nhiệm mời gọi, đôn đốc, giúp đỡ, dẫn dắt các thành viên sống tại địa phương của mình và các địa phương phụ cận tham gia vào Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tỉnh/ thành và thị xã/ quận/ huyện nhằm tạo ra một cộng đồng học Phật, tu Phật, làm Phật sự và thiện sự theo tinh thần nhập thế và phụng sự nhân sinh.
7. Các vị Phó Ban thường trực, Phó Ban chuyên trách Khóa tu, Phó Ban chuyên trách Từ thiện, Phó Ban chuyên trách Hộ niệm, Phó Ban chuyên trách Truyền thông, Phó Ban chuyên trách Hậu cầu của các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tỉnh/ thành lớn... được cơ cấu vào vai trò thành viên thường trực của các Ban chuyên trách trong Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
Điều 8. Ngày truyền thống của Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay
1. Ngày truyền thống của Đạo tràng là ngày Rằm tháng 2 ÂL, ngày Đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn theo Phật giáo Đại thừa và cũng là ngày sinh nhật của Sư phụ sáng lập.
2. Địa điểm tổ chức ngày truyền thống của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay mỗi năm sẽ được Ban Điều hành Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay toàn quốc quyết định và thông báo đến các Đạo tràng địa phương để cùng tham gia ngày tu học và làm thiện sự.
3. Các Ban Điều hành các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay ở các địa phương tổ chức cho các thành viên của Đạo tràng mình về tham dự ngày truyền thống của Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay để tăng cường sự tham gia và đóng góp cho Tổng đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
Điều 9. Danh xưng của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay chi nhánh
Mỗi đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay ở các tỉnh/ thành được gọi là Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay - địa danh nơi nó có mặt. Ví dụ, Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay ở Hà Nội thì được gọi là Đạo Phật Ngày Nay - Hà Nội; Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay ở Hải Dương thì được gọi là Đạo Phật Ngày Nay – Hải Dương; Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay ở Vĩnh Long thì gọi là Đạo Phật Ngày Nay – Vĩnh Long; Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay ở Sóc Trăng thì gọi là Đạo Phật Ngày Nay – Sóc Trăng…
Điều 10. Thành phần nhân sự
1. Ban điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tỉnh/ thành bao gồm: 01 Trưởng Ban, 01 Phó Ban thường trực, 05 Phó Ban chuyên trách (Khóa tu, Từ thiện, Truyền thông, Hậu cầu, Hộ niệm), các Tổ trưởng phụ trách các thị xã/ quận/ huyện, 01 Thư ký, 02 Phó Thư ký, 01 Thủ quỹ và các Ủy viên được phân công theo sở trường phục vụ.
2. Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tỉnh/ thành có thể có các Đạo tràng quận/ thị xã/ huyện trực thuộc. Đạo tràng các cấp này đều có Ban điều hành riêng, hoạt động theo tinh thần của Thanh quy này.
3. Ban điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp quận/ thị xã/ huyện bao gồm: 01 Trưởng Ban, 04 Phó Ban (Khóa tu, Hộ niệm, Truyền thông, Hậu cầu), 01 Thư Ký, 02 Phó Thư ký, 01 Thủ quỹ, các Tổ trưởng và các Ủy viên được phân công theo sở trường phục vụ.
4. Ban điều hành Đạo tràng cấp nào thì do các thành viên của đạo tràng cấp đó bầu ra, dưới sự cố vấn và chuẩn thuận của Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay và Sư phụ sáng lập.
Điều 11. Ban điều hành Đạo tràng
1. Ban điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tỉnh/ thành là một tập thể được Sư phụ bổ nhiệm và sinh hoạt theo Thanh quy này.
2. Ban điều hành Đạo tràng có trách nhiệm điều hành các sinh hoạt của đạo tràng, chịu trách nhiệm với Tổng Đạo tràng; có trách nhiệm hướng dẫn các thành viên học Phật, tu Phật và làm Phật sự theo tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, phù hợp với Luật pháp Việt Nam.
3. Ban điều hành các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp quận/ thị xã/ huyện có trách nhiệm báo cáo (bằng văn bản) tổng kết các hoạt động Phật sự trong năm với Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tỉnh/ thành, trễ nhất 10 ngày trước ngày tổ chức Lễ tổng kết các Phật sự của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tỉnh/ thành.
4. Ban điều hành các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tỉnh/ thành có trách nhiệm báo cáo (bằng văn bản) tổng kết các hoạt động Phật sự trong năm với Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay, trễ nhất 10 ngày trước ngày tổ chức Lễ tổng kết các Phật sự của Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
Điều 12. Nhiệm vụ của Ban điều hành và thành viên
1. Ban điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay các cấp có trách nhiệm hướng dẫn các chúng trưởng và hội viên tổ chức các hoạt động của Đạo tràng theo tinh thần Trung đạo và “Tịnh độ nhân gian”; đồng thời, hướng dẫn các hội viên tu học nhập thế: “Phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo; sáng soi đạo Pháp, hộ quốc an dân”.
2. Ban điều hành Đạo tràng các cấp, các chúng trưởng, tổ trưởng của các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay được khích lệ mở rộng phạm vi hoạt động của Đạo tràng ở nhiều tỉnh/ thành và vận động người hữu duyên tham gia làm thành viên của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay, góp phần phát triển Phật pháp, mang lợi lạc cho nhân sinh.
3. Trong mỗi năm, mỗi chúng viên nên phát tâm giúp đỡ, hướng dẫn ít nhất 02 người trở thành Phật tử, tham gia Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
Điều 13. Kết nạp thành viên vào Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay
1. Người Việt Nam không vi phạm luật pháp, không phân biệt tuổi tác, giới tính, pháp môn, có phẩm hạnh đạo đức tốt, có lý tưởng Phật pháp, có tinh thần Việt Nam, đều được khích lệ tham gia Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
2. Người tham gia được trao thẻ thành viên Đạo Phật Ngày Nay. Thẻ thành viên sẽ được Ban điều hành Đạo tràng quản lý, duyệt cấp và thu hồi (nếu phản bội lý tưởng Phật pháp và phạm pháp).
Điều 14. Quyền lợi của thành viên
1. Được giúp đỡ và tạo điều kiện tu học Phật pháp để tăng trưởng phước đức và trí tuệ, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp và dấn thân trong phụng sự xã hội.
2. Được tham gia các hoạt động của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay gồm học Phật pháp, tham dự các khóa tu, hoằng pháp, văn hóa, Phật sự, từ thiện và các sự kiện hữu ích.
3. Được tham gia hội họp và đóng góp ý kiến xây dựng trong các sinh hoạt của đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
Điều 15. Nghĩa vụ của các thành viên
1. Các thành viên Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay phải tinh tấn tham gia các chương trình học Phật pháp, các khóa tu được tổ chức tại các Chùa chi nhánh, chùa trực thuộc và các địa điểm thích hợp.
2. Các thành viên Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay đề cao trách nhiệm dẫn dắt con cháu làm đệ tử Phật từ nhỏ, tham gia các chương trình học Phật, tu Phật, làm Phật sự và thiện sự của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
3. Các thành viên Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay tận dụng các điều kiện/ cơ hội dẫn dắt bạn bè và mọi người làm Phật tử và tham gia Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay, góp phần phát triển Phật giáo và làm lợi lạc nhân sinh.
4. Ban điều hành các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay nên vận động các thành viên tham gia Phật sự, phát tâm ấn tống kinh sách và máy nghe Phật pháp của Sư phụ sáng lập nhằm giúp mọi người hiểu Phật và hành trì Pháp tốt hơn, đạt được an vui và hạnh phúc trong đời.
5. Các thành viên Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay tùy hỷ đóng góp tịnh tài vào Quỹ Đạo Phật Ngày Nay qua các Phật sự và thiện sự gồm: (i) Thành viên trọn đời, (ii) Thành viên bảo trợ, (iii) Thành viên bảo an, (iv) Thành viên thường niên, Thành viên tùy hỷ.
Điều 16. Kinh tụng thuần Việt
1. Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay các cấp sử dụng thống nhất các nghi thức tụng niệm thuần Việt do Sư phụ sáng lập phiên dịch hoặc biên soạn bao gồm Kinh tụng hằng ngày (49 bài kinh căn bản), Nghi thức tụng niệm (13 nghi thức thường dùng), Kinh Phật cho người mới bắt đầu (10 bài Kinh căn bản), Kinh Phật cho người tại gia (64 bài kinh về đạo đức, gia đình, xã hội, thiền và Tịnh độ), Kinh Phật cho người xuất gia, Kinh Phật về thiền và chuyển hóa và Kinh Phật về đạo đức và xã hội cũng như một số kinh điển thuần Việt chọn lọc khác để khai mở trí tuệ, vượt qua mê tín, tu theo chính đạo, nhằm đạt được an vui và phúc lạc ngay hiện đời.
2. Tùy theo điều kiện và tình hình ở từng địa phương, các Kinh được sử dụng trong các nghi thức nêu trên có thể linh động gia/ giảm, nhằm tạo tinh thần hòa hợp và đoàn kết. Điều quan trọng là sử dụng các nghi thức thuần Việt và các bài kinh thích ứng với người tại gia, theo tinh thần tu học Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
Điều 17. Các thời khóa tu tập
Các chùa chi nhánh và các chùa trực thuộc chùa Giác Ngộ sử dụng các nghi thức như sau:
1. Thời kinh khuya: Tụng Kinh Phật cho người xuất gia hoặc Kinh Di giáo và ngồi thiền.
2. Thời kinh tối: Tụng Kinh tụng hằng ngày, Kinh Phật cho người tại gia, Kinh Phật cho người mới bắt đầu, Kinh Vu-lan (tháng 7 AL), kinh Địa Tạng (tháng 7 AL), kinh Dược Sư (tháng 1 và 9 AL), một số kinh chọn lọc khác… và ngồi thiền.
3. Thời kinh sám hối: Sám hối sáu căn hoặc Sám hối Hồng danh. Nên tăng cường các thời lạy sám hối trong mùa an cư và sau khi thọ giới.
4. Thiền tập: Các chùa và các đạo tràng tu học theo mô hình Đạo Phật Ngày Nay đều thực tập thiền minh sát (Vipassana) hay thiền chính niệm của đức Phật:
Điều 18. Tụng kinh và thực tập thiền
1. Dù đang ở đâu, các thành viên Đạo Phật Ngày Nay mỗi ngày nên đọc/ tụng Kinh tụng hằng ngày, Kinh Phật cho người tại gia, Kinh Phật cho người mới bắt đầu, Nghi thức tụng niệm và các Kinh khác do Sư phụ sáng lập phiên dịch và biên soạn. Thời gian của khóa kinh khoảng 30-45 phút, sau đó, ngồi thiền tối thiểu 15-45 phút. Có thể linh động, tùy theo điều kiện thực tế.
2. Ngoài khóa thiền ngồi sau tụng Kinh, các thành viên Đạo Phật Ngày Nay nên tu thiền vipassana tối thiểu 15 phút mỗi ngày để làm chủ thân thể, cảm giác, tri giác, tâm và ý niệm trong tâm.
Điều 19. Hai loại bàn thờ
Nếu nhà rộng rãi, phải có bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên độc lập. Bàn thờ Phật ở vị trí chính giữa. Bàn thờ gia tiên ở bên trái hoặc bên phải bàn thờ Phật. Trường hợp, nhà chật hẹp, có thể thờ Phật và gia tiên cùng bàn thờ. Phật đặt ở vị trí cao hơn gia tiên.
Điều 20. Không thờ ông trời và thần linh
1. Phật tử không thờ đấng sáng thế như Phạm thiên, Thượng đế, Chúa Trời, đấng Allah, đấng Jahovah v.v...
2. Phật tử không đi lễ Đình, Đền, Miếu thuộc các tôn giáo khác cũng như không thờ các thần linh thuộc các tôn giáo khác như Thần tài, Thổ địa, Táo quân, Cửu thiên Huyền nữ, Mẹ sanh Mẹ độ, bà Chúa Xứ, Quan Thánh, cũng như các vật linh trong các tôn giáo và tín ngưỡng v.v... Ngoại trừ, tham quan nghiên cứu.
3. Phật tử không xem bói, xem phong thủy, cúng đồng bóng. Không tín ngưỡng những nơi được đồn là linh thiêng. Người Phật tử nên hiểu không có cội nguồn ban phước giáng họa. Chỉ tin vào chân lý nhân quả và cố gắng hoàn thiện nhân cách, đạo đức và trí tuệ.
Điều 21. Loại tượng và chất liệu
1. Phật tử thờ ảnh, tượng Phật, Bồ- tát, A-la-hán và Thánh Tăng để chiêm bái, học hỏi hạnh nguyện cao cả của quý ngài, để làm chỗ dựa tinh thần và hộ trì đạo đức cho bản thân và gia đình.
2. Có thể thờ tượng đứng hay tượng ngồi; tượng bằng vàng, bạc, đồng, gỗ, xi măng, tranh vẽ, hoặc bằng giấy… tùy theo điều kiện tài chính và sở thích.
Điều 22. Nơi thờ phượng
Phật tử nên thờ Phật ở nơi thoáng, ngang tầm mắt, dễ thấy, trang nghiêm, sạch sẽ, thuận tiện cho việc dâng cúng hoa, quả, nước, tụng niệm và lễ bái.
Điều 23. Cách thờ phượng
1. Phật tử nên thường xuyên quét dọn bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên. Thường xuyên rút chân nhang để tránh bụi bặm. Nên cúng trái cây, hoa và nước sạch có đậy nắp. Nước sạch có thể uống sau vài giờ cúng. Trái cây có thể ăn sau vài ngày cúng. Khi hoa héo thì thay hoa mới. Tuyệt đối không cúng thực phẩm được làm từ thịt của các động vật.
2. Phật tử nên lễ bái Phật trước khi đi làm và sau khi trở về nhà. Khi cúng hay lễ Phật, thân thể phải sạch sẽ, ăn mặc tươm tất; thân và tâm phải thanh tịnh. Khi tụng Kinh nên mặc áo tràng trang nghiêm.
3. Người Phật tử nên đặt chuông mõ ở trang thờ hay bàn Phật. Không để kinh sách, chuỗi niệm Phật, áo tràng một cách tùy tiện ở nơi thiếu tôn nghiêm.
Điều 24. Các nghề nên tránh
1. Phật tử nên phát huy đời sống thiện ích trên nền tảng chánh nghiệp và chánh mạng. Không sống phi pháp, phi nghĩa dưới mọi hình thức.
2. Phật tử nên tránh các nghề tà, có nhân quả xấu sau đây: (i) Sản xuất và buôn bán vũ khí, vì dẫn đến sự hủy diệt sự sống hàng loạt, (ii) Buôn bán nô lệ, vì vi phạm luật pháp thế giới và chà đạp nhân phẩm con người, (iii) Nghề lầu xanh vì đắm chìm trong hưởng thụ tính dục và truyền bệnh nguy hại qua đường máu và tình dục, (iv) Nghề bào chế và buôn bán độc dược vì dẫn đến ngộ độc và phục thuốc hại người khác, (v) Nghề đồ tể vì giết hại động vật và gia súc, gây hậu quả bệnh tật và yểu thọ, (vi) Nghề cờ bạc vì phá hoại nguồn tài chính và hạnh phúc gia đình, (vii) Nghề xem bói, phong thủy, đồng bóng, bắt ma… vì góp phần truyền bá mê tín và gieo rắc sợ hãi.
Điều 25. Phật tử nên sinh sống và tạo ra của cải, tài sản bằng công sức và trí khôn, đúng với chánh pháp và phù hợp với luật pháp. Không nên làm nghề cho vay nặng lãi, bắt chẹt người khác trong hoàn cảnh túng quẫn, khó khăn.
Điều 26. Phật tử nên sống, điều độ, ít muốn, biết đủ, có tinh thần tương thân và tương trợ. Không quá chuộng hình thức.
Điều 27. Phật tử nên nâng cao đời sống tinh thần, phát huy hạnh phúc cao thượng để cuộc sống thật sự có ý nghĩa và giá trị.
Điều 28. Phật tử nên tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử vào các ngày chủ nhật cũng như các sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa Phật giáo tại các chùa chi nhánh, chùa trực thuộc và các tự viện Phật giáo.
Điều 29. Phật tử nên làm chủ nhận thức và làm chủ cuộc sống. Sống theo, sống đúng và sống phù hợp với chánh pháp và đạo đức được đức Phật giảng dạy.
Điều 30. Tôi ý thức rằng làm công quả là hộ trì Phật, Pháp, Tăng nên tôi tôn kính Tăng, Ni như các bậc thầy tâm linh.
Điều 31. Tôi ý thức rằng kiếp người là ngắn ngủi, vô thường nhanh chóng nên khi có mặt tại chùa, tôi siêng năng tu học Phật, làm công quả và tham dự ít nhất 1 khóa kinh mỗi ngày.
Điều 32. Tôi ý thức rằng nếu không làm chủ tâm mình thì tôi sẽ bị vọng tưởng chi phối. Đang lúc làm công quả, tôi thầm niệm danh hiệu Phật để tâm được bình an.
Điều 33. Tôi ý thức rằng đến chùa làm công quả là phát tâm lành nên tôi hoan hỷ làm các công việc được phân công.
Điều 34. Tôi ý thức rằng lời nói là phương tiện truyền thông, có khả năng mang niềm vui hoặc gây đau khổ cho người, nên tôi nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn, tạo dựng đoàn kết, xây dựng tình thân để không ai bị phiền lòng.
Điều 35. Tôi ý thức rằng tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc, nên tôi xem những người cùng làm công quả đều là người thân của mình, tôi luôn thể hiện tinh thần tương thân, tương trợ và tương ái.
Điều 36. Tôi nguyện hồi hướng các phước báo làm công quả tại chùa đến với thân bằng quyến thuộc và tất cả mọi người.
Điều 37. Hôn nhân
1. Phật tử, trước khi tiến đến hôn nhân, phải có kiến thức vững, nghề nghiệp ổn định và khả năng tự lập vững để đời sống gia thất về sau không gặp khó khăn và trở ngại.
2. Thiện nam và tín nữ trước khi nên đôi chồng vợ nên có thời gian tìm hiểu nhau chín chắn về các phương diện: Cùng đạo Phật, đạo đức, nhân cách, hiểu biết và lý tưởng sống, nhờ đó, đời sống hôn nhân và gia đình sau này được hạnh phúc lâu dài.
3. Để người bạn đời phù hợp tính tình, lý tưởng và hạnh nguyện với mình, Phật tử nên chọn người theo đạo Phật. Nếu người bạn sắp cưới không có đạo hoặc theo tôn giáo hay tín ngưỡng khác thì nên thuyết phục người ấy cùng trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng để đôi giai ngẫu cùng nhìn, cùng sống và cùng hưởng hạnh phúc.
4. Trước ngày lễ cưới, Phật tử nên đến chùa thưa thỉnh thầy Bổn sư/ Trụ trì về việc tổ chức lễ cưới tại Chùa và thân mời huynh đệ đồng tu cùng tham dự.
5. Trong ngày lễ cưới, hai đàng trai gái phải đến Chùa làm Lễ chứng hôn để nghe giáo huấn về cách giữ gìn, bảo vệ và phát triển hạnh phúc lứa đôi và gia đình.
6. Khi gặp khó khăn và đau khổ trong đời sống hôn nhân, không buông xuôi, nỗ lực đúng cách để tháo mở, hàn gắn và tái tạo hạnh phúc. Trường hợp, một trong hai người qua đời trước, người còn lại được quyền tái giá sau một năm kể từ ngày mất của bạn đời.
Điều 38. Tang chế
1. Phật tử khi lâm trọng bệnh và sắp sửa mệnh chung nên chánh niệm, tỉnh giác, hướng về Phật, Pháp, Tăng; giữ tinh thần thản nhiên, không lo sợ cái chết; xả bỏ tất cả ý niệm về bản ngã, tình vợ/ chồng, tình yêu, sở hữu tài sản… để có thể ra đi một cách nhẹ nhàng.
2. Khi người thân gần mạng chung, các Phật tử nên thành kính hướng về Phật, Pháp, Tăng, mời quý Thầy, Sư cô tụng kinh hộ niệm và tiếp dẫn để người bệnh khi mãn phần được sanh về cảnh giới Phật hay cảnh giới tốt lành. Nếu nhà quá xa Chùa, không kịp thỉnh mời quý Thầy, Sư cô thì các Phật tử nên mở băng tụng kinh và nhắc nhở người thân về nguyên lý vô thường, vô ngã, theo đó, người sắp mạng chung rũ bỏ mọi chấp dính, ra đi nhẹ nhàng.
3. Ngay lúc tắt thở và trong suốt thời gian tang lễ, vợ/chồng, con, cháu và thân quyến không nên khóc lóc, than kể để không làm động tâm người vãng sanh. Trái lại, nên thành tâm, đồng niệm danh hiệu Phật rõ ràng để trợ tiến người ra đi.
4. Trong thời gian tang lễ, các tuần thất, các lễ giỗ, gia đình người quá cố nên thay mặt người quá cố làm các việc phước báu, bố thí, cúng dường, từ thiện, hồi hướng công đức cho người mạng chung, nhờ đó, kẻ còn và người mất đều được lợi lạc.
5. Tang lễ nên tổ chức theo văn hóa Phật giáo. Không tế thần, không cúng tam sên (sinh), không cúng thức ăn mặn. Không đốt giấy vàng mã, không mở cửa mã. Chỉ nên cúng đồ chay, chú trọng tụng kinh và hộ niệm, giúp người chết tái sinh nhanh.
6. Tốt nhất là miễn nhạc tang, nhất là các loại nhạc có giai điệu thiểu não, buồn bã. Đặc biệt, trong lúc quý Tăng/ Ni và Phật tử tụng kinh, không nên trỗi nhạc để tạo sự trang nghiêm cho khóa lễ.
7. Sau khi tống táng, Phật tử nên tiếp tục cúng bảy tuần thất và giỗ hằng năm để tưởng nhớ công sinh thành, dưỡng dục của cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên và người quá vãng. Các lễ cúng nên tổ chức tại Chùa để giúp người thân gieo duyên với Phật pháp và trở thành Phật tử.
Điều 39. Hoạt động giáo dục và hoằng pháp của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay bao gồm tổ chức các lớp học Phật pháp căn bản, Phật pháp ứng dụng, lớp giáo lý hôn nhân, các lớp kỹ năng và giá trị sống, các lớp ngoại ngữ và lớp thư pháp Phật giáo...
Điều 40. Hoạt động văn hóa của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay bao gồm tổ chức các sự kiện văn hóa Phật giáo nhằm giúp quần chúng đến chùa tu học Phật. Các sự kiện văn hóa Phật giáo tiêu biểu bao gồm Tết truyền thống, Rằm tháng giêng, Rằm tháng 2, đại lễ Phật đản, lễ kỷ niệm Bồ-tát Quan Âm, lễ Vu-lan, tết trung thu, rằm tháng 10, lễ kỷ niệm Phật A-di-đà, lễ Phật Thích-ca thành đạo và các lễ hội văn hóa Phật giáo khác; tổ chức biểu diễn văn nghệ Phật giáo, triển lãm văn hóa Phật giáo; biên tập và sản xuất các album nhạc Phật giáo; tổ chức lễ cưới và sinh nhật tại chùa v.v…
Điều 41. Hoạt động ấn tống của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay bao gồm Đại Tạng Kinh Việt Nam (MP3 và sách in), sách nói Phật giáo, các nghi thức tụng niệm thuần Việt, các sách Phật học (mang tính nghiên cứu và ứng dụng), máy nghe pháp thoại chứa đựng các bài giảng có giá trị thực tập, chuyển hóa và các ấn phẩm Phật giáo chọn lọc khác.
Điều 42. Hoạt động từ thiện của Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay bao gồm:
1. Cúng dường học bổng du học nước ngoài và trong nước cho các Tăng, Ni và tặng học bổng cho các sinh viên học giỏi.
2. Cúng dường bảo hiểm y tế cho Tăng, Ni.
3. Giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, các hộ nghèo, các thành phần cơ nhỡ, các trại viên tại các trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm giáo dục lao động, Trung tâm cai nghiện, Trung tâm người già và tàn tật, Trung tâm khiếm thị và các bệnh nhân ung bướu v.v… trong những dịp thích hợp.
4. Xây cầu ở những vùng nông thôn nghèo khó, xây nhà tình thương cho những hộ khó khăn.
5. Tổ chức hiến máu nhân đạo, hiến mô, hiến tạng, hiến thi thể cho y học.
6. Các hoạt động từ thiện khác, tùy theo điều kiện và nhu cầu thực tế.
Điều 43. Các hoạt động hộ niệm và tống táng bao gồm tụng kinh cầu an cho các bệnh nhân, tụng kinh hộ niệm cho người hấp hối và tụng kinh cầu siêu cho các hương linh… là thân nhân của các thành viên Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay và những người hữu duyên.
Điều 44. Phật tử thuộc các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay quy ngưỡng Phật, Pháp, Tăng; vâng giữ năm điều đạo đức, thực tập mười điều thiện, tâm niệm tám điều giác ngộ của Bồ-tát… để trang nghiêm thân, khẩu, ý và sống cuộc đời thanh cao, hạnh phúc.
Điều 45. Vì Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay tu đạo đức, thiền định, trí tuệ (giới, định, tuệ) theo tinh thần Phật dạy, với tông chỉ xây dựng Tịnh độ nhân gian, các hội viên của Đạo tràng không được phân biệt đối xử giữa các chùa và các Phật tử; có tinh thần dung thông, rộng mở; không phê phán, khinh thường Tăng/ Ni và đạo hữu khác.
Điều 46. Phật tử Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay nêu cao tinh thần Phật giáo đồng hành với dân tộc; đưa Phật pháp vào xã hội; thực hành sự-lý viên dung; không cực đoan trong thực hành Phật pháp.
Điều 47. Noi theo tinh thần lục hòa trong các sinh hoạt tu học và dấn thân trong xã hội. Lục hòa gồm Thân hòa cùng ở, khẩu hòa không cãi, ý hòa vui vẻ, kiến hòa cùng hiểu, giới hòa cùng tu và lợi hòa chia đều.
Điều 48. Các Phật sự và những hoạt động dấn thân phụng sự nhân sinh của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay đều phát xuất từ tinh thần hoan hỷ, phát tâm, tùy theo khả năng, điều kiện và hoàn cảnh của mỗi Hội viên; không cưỡng ép, bắt buộc.
Điều 49. Các thành viên thuộc các đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay nên mặc áo tràng đồng phục của Đạo Phật Ngày Nay khi tu tập và áo thun đồng phục khi tham gia các Phật sự và thiện sự của Đạo Phật Ngày Nay để tạo sự thống nhất và trang nghiêm.
Điều 50. Thể hiện nếp sống đạo đức của người Phật tử, giữ oai nghi và tư cách, thể hiện và đề cao sự mô phạm đạo đức.
Điều 51. Huynh đệ đồng tu trong Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay phải tương thân, hỗ trợ, đoàn kết, hòa đồng, hòa nhã, tôn trọng, hiểu biết, cảm thông, ần cần, cởi mở, nhiệt tình, có trách nhiệm và thân thiện với mọi người.
Điều 52. Khi được góp ý, phải vui vẻ lắng nghe. Nếu có lỗi, phải thừa nhận và sửa đổi. Nếu lỗi nặng thì phải chân thành sám hối và cam kết không tái phạm.
Điều 53. Khi các đạo hữu bận rộn gia duyên hay việc riêng, nên báo Ban lãnh đạo của Đạo tràng biết. Sau khi xong việc phải trở lại sinh hoạt tiếp tục trong Đạo tràng.
Điều 54. Để tạo sự thống nhất trong tu học, nên tập trung và tăng cường hiệu quả vào các Phật sự nhập thế của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay. Nếu chưa thỉnh ý và được sự chuẩn thuận của Sư phụ sáng lập, Ban lãnh đạo và các thành viên Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay không được vận động tài chính cho các hoạt động của các hội, đoàn, tổ chức… khác.
Điều 55. Tài chính thu - chi của các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay như gây quỹ, cúng dường, ấn tống, làm từ thiện… đều được thực hiện công khai, minh bạch và phải báo cáo tổng kết hằng năm.
Điều 56. Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay các cấp hoạt động dựa vào nguồn tài chánh sau:
1. Đóng góp vô điều kiện của các đoàn thể, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, Phật tử và các thành viên.
2. Các khoản thu hợp pháp khác.
Điều 57. Ngân quỹ của các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp nào thì thuộc ngân quỹ tập thể của cấp đó, được sử dụng vào các công tác tổ chức, hoạt động tu học và dấn thân của Đạo tràng. Không có cá nhân nào được quyền sử dụng phi pháp các tài sản của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
Điều 58. Để tạo sự thống nhất trong tu học, tập trung và tăng cường hiệu quả vào các Phật sự nhập thế của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay, nếu chưa thỉnh ý và chưa được sự chuẩn thuận của Sư phụ sáng lập, Ban lãnh đạo và các thành viên Đạo Phật Ngày Nay không được vận động tài chính cho các hoạt động của các hội, đoàn, tổ chức… khác.
Điều 59. Hội họp định kỳ
1. Ban điều hành Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay toàn quốc và Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tỉnh/ thành sẽ họp định kỳ sáu tháng một lần vào ngày đầu tháng 6 và tháng 12, để kiểm điểm các hoạt động của Đạo tràng và triển khai chương trình của từng quý, từng năm.
2. Ban điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cấp tự viện sẽ họp định kỳ mỗi quý một lần để đánh giá các hoạt động và lên kế hoạch hoạt động của quý kế tiếp.
3. Trong những trường hợp cần thiết, Ban điều hành các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay có thể nhóm họp bất thường để giải quyết các vấn đề quan trọng và cấp thiết.
4. Trước khi tổ chức các chương trình quan trọng, Ban điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay phải nhóm họp, phác thảo kế hoạch và công tác chuẩn bị. Sau khi hoàn tất các chương trình đó, nhóm họp để rút kinh nghiệm cho các Phật sự về sau.
Điều 60. Rút tên khỏi Ban điều hành
1. Thành viên Ban điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay không tham gia sinh hoạt Ban điều hành của Đạo tràng 6 tháng trong nhiệm kỳ mà không có lý do chính đáng thì được hiểu đã tự rút tên khỏi Ban điều hành.
2. Việc xóa tên, cho rút tên do Ban điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay cùng cấp xem xét quyết định và báo cáo lên Ban điều hành Đạo tràng cấp toàn quốc.
Điều 61. Về khen thưởng
1. Ban điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay các cấp lập danh sách cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động học Phật, tu Phật, làm Phật sự và thiện sự để được xem xét khen thưởng cuối năm, xứng với công đức đã đóng góp.
2. Các hình thức khen thưởng của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay ở các địa phương do lãnh đạo Đạo tràng nơi đó xét duyệt. Các hình thức khen thưởng của Tổng Đạo tràng cấp toàn quốc do Ban điều hành toàn quốc quy định. Các cá nhân và tập thể thuộc các Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay có thành tích xuất sắc được đề xuất nhận khen thưởng của Tổng Đạo tràng.
Điều 62. Về kỷ luật
1. Các hội viên nào lợi dụng danh nghĩa của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay làm những việc không phù hợp với tinh thần Phật giáo, trái với Hiến chương của GHPGVN, trái với Hiến pháp và Pháp luật hiện hành, trái với Thanh quy này, thiếu trách nhiệm trong công tác được giao, sẽ bị chế tài, tùy theo mức độ vi phạm.
2. Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm khuyết điểm của thành viên mà áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau:
3. Trước khi quyết định kỷ luật, hội viên bị kỷ luật được phép trình bày ý kiến. Mọi hình thức kỷ luật chỉ được công bố và thi hành khi có quyết định chính thức của Ban điều hành Đạo tràng. Trong vòng một tháng, người bị kỷ luật có quyền khiếu nại lên Ban điều hành Tổng Đạo tràng toàn quốc và phải được trả lời bằng văn bản. Trong thời gian chờ đợi trả lời phải chấp hành quyết định kỷ luật tạm thời.
Điều 63. Công nhận tiến bộ
Kể từ khi thành viên Đạo Phật Ngày Nay bị quyết định kỷ luật, ít nhất 1 tháng một lần, lãnh đạo của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay nơi trực tiếp quản lý thành viên bị kỷ luật nhận xét về việc sửa chữa khuyết điểm của thành viên đó. Nếu đã sửa chữa khuyết điểm thì đề nghị lãnh đạo của đạo tràng ra quyết định công nhận tiến bộ và sau đó phục hồi tư cách thành viên của Đạo tràng.
Điều 64. Chỉnh sửa và bổ sung
Thanh quy Đạo Phật Ngày Nay cho người tại gia gồm có 14 chương, 64 điều. Việc sửa đổi hoặc bổ sung các điều khoản trong bản điều lệ này sẽ do quá bán số thành viên của Ban điều hành Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay đề xuất với sự chuẩn thuận của Sư phụ sáng lập.
Người sáng lập Đạo tràng
THÍCH NHẬT TỪ
KHÓA TU NGÀY AN LẠC
NGÀY AN LẠC (Một buổi)
06g00: Điểm tâm
07g00: Tụng kinh
08g00: Thuyết giảng
09g30: Thiền ca
10g00: Thiền tọa
11g00: Ăn cơm chánh niệm
11g30: Kết thúc khóa tu
KHÓA TU TUỔI TRẺ HƯỚNG PHẬT
(Một buổi)
13g15: Tập hợp trên điện Phật
13g30: Tụng kinh
14g15: Thiền tọa
15g00: Thuyết giảng
16g45: Ăn nhẹ
17g15: Kết thúc khóa tu
NGÀY AN LẠC
(Trọn ngày)
BUỔI SÁNG
06g00: Điểm tâm
07g00: Tụng kinh
08g00: Thuyết giảng
09g30: Thiền ca
10g00: Thiền tọa
11g00: Ăn cơm chánh niệm
11g45: Chỉ tịnh
BUỔI CHIỀU
13g15: Thức chúng
13g30: Thiền tọa
14g15: “Vì sao tôi theo đạo Phật”
15g30: Tụng kinh
16g45: Dược thực
17g15: Kết thúc khóa tu
TUỔI TRẺ HƯỚNG PHẬT
(Trọn ngày)
BUỔI SÁNG
06g00: Điểm tâm
07g00 - 07g45: Tụng kinh
08g00 - 09g15: Thuyết giảng
09g25 - 09g45: Thiền ca
10g00 - 10g45: Thiền tọa
11g00: Ăn cơm chánh niệm
11g45: Chỉ tịnh
BUỔI CHIỀU
13g15: Thức chúng
13g30: Thiền tọa
14g15: Talkshow “Gương sáng”
16g15: Tụng kinh
16g45: Dược thực
17g15: Kết thúc khóa tu
KHÓA THIỀN VIPASSNA
(Trọn ngày)
06g50: Tụng kinh
08g00: Pháp thoại
09g30: Thiền hành
10g00: Thiền tọa
11g00: Thiền ăn
12g00: Thiền buông thư
13g15: Báo thức
13g30: Thiền toạ
14g30: Thiền hành
15g00: Thiền tọa (Hoặc vấn đáp)
16g45: Dược thực
17g15: Kết thúc khóa tu
THIỀN CHO NGƯỜI BẬN RỘN
(Sáng thứ bảy, nửa buổi)
07g00: Tụng kinh
07g30: Ngồi thiền
08g00: Nghe pháp
09g45: Ngồi thiền
11g00: Hoàn mãn
BÚP SEN TỪ BI
(Chiều thứ bảy)
14g15: Có mặt
14g30: Tụng kinh
15g00-15g15: Giải lao, uống sữa…
15g15: Dạy hát kinh nhạc
15g30 – 16g00: Học Phật pháp
16g00- 16g15: Kỹ năng sống
16g30: Kết thúc khóa tu
CÁC NGÀY LỄ TRONG HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
(Tính theo ngày Âm lịch)
THÁNG GIÊNG
Mùng 1: | Ngày Phật Di-lặc đản sanh;. |
Ngày rằm: | - Ngày Pháp Bảo (Māghapūjā), kỷ niệm Đức Phật nói Kinh Giải Thoát Giáo (Ovādapāṭimokkha) và là ngày đức Phật tuyên bố sẽ viên tịch. |
THÁNG HAI
Mùng 8: | - Phật Thích-ca xuất gia. |
Ngày rằm: |
|
Ngày 19: | Vía Bồ-tát Quán Âm. |
Ngày 21: | Vía Bồ-tát Phổ Hiền. |
THÁNG BA
Ngày 16: | Vía Bồ-tát Chuẩn-đề. |
THÁNG TƯ
Mùng 4: | Vía Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. |
Mùng 8: | Phật Thích-ca đản sanh. |
Ngày rằm: | Theo Nam tông, đây là ngày Ðại Lễ tam hợp, kỷ niệm ba sự kiện trọng đại của Phật Thích-ca: đản sinh, thành đạo và viên tịch. |
Ngày 16: | An cư kiết hạ của Tăng Ni, truyền thống Bắc tông. |
Ngày 20: | Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 11-6-1963). |
THÁNG SÁU
Ngày rằm: | An cư kiết hạ của chư Tăng, Nam tông. |
Ngày 19: | - Vía Bồ-tát Quán Thế Âm. |
THÁNG BẢY
Ngày 13: | Vía Bồ-tát Đại Thế Chí. |
Ngày rằm: | Đại lễ Vu-lan báo hiếu. |
Ngày 30: | Vía Bồ-tát Địa Tạng. |
THÁNG TÁM
Mùng 1: | Giổ tổ Thích Thiện Huệ. |
THÁNG CHÍN
Ngày rằm: | Mãn hạ và dâng y công Đức (Kathina) hay còn gọi là ngày Tăng bảo, theo Nam tông. |
Ngày 19: | Vía Bồ-tát Quán Thế Âm. |
Ngày 30: | Vía Phật Dược Sư. |
THÁNG MƯỜI MỘT
Ngày 17: | Vía Đức Phật A-di-đà. |
THÁNG CHẠP
Mùng 8: | - Phật Thích-ca thành đạo. |
Ngày rằm: | Ngày tưởng niệm các bậc tiền bối phát triển đạo Phật Nguyên thủy tại Việt Nam. |
Ngày 20: | - Hòa thượng Thích Thiện Hoa, viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, viên tịch. |
CÁC NGÀY ĂN CHAY
(Tính theo ngày Âm lịch)
Hai ngày: | 1 và 15. |
Bốn ngày: | 1, 14, 15 và 30. |
Sáu ngày: | 8, 14, 15, 23, 29 và 30. |
Tám ngày: | 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24 và 30. |
Mười ngày: | 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30. |
Một tháng: | Tháng giêng / tháng 4 / tháng 7 hay tháng 10. |
Ba tháng: | Tháng giêng, tháng 7 và tháng 10. |
Bốn tháng: | Tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10. |
Trường trai: | Quanh năm suốt tháng. |
Ăn chay là nuôi dưỡng lòng từ bi, là phương pháp giữ gìn sức khỏe và sống thọ. Người ăn chay phải giữ tâm trong sạch, tránh điều tội ác, làm việc nhân từ, thương người mến vật và tu tập các công đức.
VỀ SƯ PHỤ SÁNG LẬP
Thượng tọa Thích Nhật Từ là một Tam tạng pháp sư thời nay, nhà cải cách Phật giáo hiện đại, người chủ trương nhập thế, nhà diễn thuyết, nhà hoằng pháp, dịch giả kinh điển, tác gia, nhà thơ, nhà tư vấn người bệnh tâm thần đa nhân cách (dân gian gọi là bệnh ma nhập) và nhà hoạt động xã hội năng động.
Thầy sinh năm 1969, xuất gia với cố HT. Thích Thiện Huệ năm 1984, thọ đại giới năm 1988 và được bổ nhiệm Trụ trì Chùa Giác Ngộ năm 1992. Với tâm nguyện muốn được dấn thân, phụng sự một cách tốt nhất cho Phật giáo nước nhà, vào năm 1994 Thầy sang Ấn Độ du học, tốt nghiệp Cao học triết học, Đại học Delhi, 1997 và Tiến sĩ triết học, Đại học Allahabad, 2001. Năm 2002, Thầy quay trở về Việt Nam, tiếp tục trụ trì chùa Giác Ngộ, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo bằng tâm nguyện thiết tha và hoài bão lớn lao của mình.
Từ năm 2003, Thầy Nhật Từ làm chủ nhiệm và sản xuất chương trình âm thanh hóa Đại Tạng kinh Việt Nam. Đây là ấn bản âm thanh đầu tiên về Đại tạng Kinh trên toàn cầu, mở ra phương trời học Phật mới cho mọi thành phần yêu thích tiếng Việt và triết lý Phật giáo. Hiện đã thực hiện xong Kinh tạng Pali, Kinh tạng A-hàm và nhiều Kinh Đại thừa quan trọng. Nhằm giúp người tu học Phật tăng trưởng trí tuệ và hành trì Phật pháp ở mọi nơi và mọi lúc, Thầy Nhật Từ phát triển thư viện sách nói Phật giáo với gần 1.000 tác phẩm Phật học ứng dụng.
Từ năm 2002-2019, Thầy thuyết giảng hơn 4.800 bài pháp thoại cho cộng đồng Việt Nam trong nước và nước ngoài. Các chủ đề pháp thoại rất đa dạng từ Kinh điển Pali, kinh điển Đại thừa cho đến các chủ đề về gia đình, xã hội, chính trị, môi trường và khoa học... nhằm khai ngộ nhiều thành phần xã hội, từ những người chưa biết đạo, người khác đạo, người già, người trẻ. Thầy giảng Phật pháp tại các trại tù, các trung tâm cai nghiện, trung tâm giáo dục dạy nghề (học viên mãi dâm), trung tâm người già và tàn tật... để gieo hạt giống bồ- đề trong nhận thức và lối sống của những
người bất hạnh, giúp họ sống đúng luật nhân quả, chuyển hóa nghiệp chướng, trải nghiệm an vui.
Bên cạnh gần 80 tác phẩm, dịch phẩm và nghi thức tụng niệm thuần Việt của bản thân, Thầy Nhật Từ là tổng biên tập Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay với hơn 250 quyển sách nghiên cứu và ứng dụng Phật học của nhiều tác giả và dịch giả khác nhau.
Thầy Nhật Từ được trao tặng 4 bằng tiến sĩ danh dự, 8 giải thưởng quốc tế, bằng khen của Thủ tướng, bằng khen của Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng như nhiều Bằng tuyên dương công đức của GHPGVN. Hiện nay, Thầy Nhật Từ làm Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (đặc trách Đại tạng Kinh Việt Nam) và đảm trách nhiều vai trò quan trọng trong GHPGVN như Phó Ban Hoằng pháp trung ương, Phó Ban Giáo dục Phật giáo trung ương, Phó Ban Phật giáo Quốc tế trung ương, Phó ban Từ thiện trung ương, Chủ tịch sáng lập Quỹ Đạo Phật Ngày Nay và thành lập nhiều đạo tràng tu học trên toàn quốc.