Thanh quy cho người xuất gia

I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG 


ĐIỀU 1. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG 
1. Thanh quy này quy định về các sinh hoạt học Phật, tu Phật và làm Phật sự của các chùa thuộc hệ thống Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay nhằm chia sẻ chân lý Phật đến mọi thành phần xã hội, giúp nhiều người vượt qua nỗi khổ, niềm đau. 
2. Thanh quy này áp dụng cho người xuất gia, tập sự xuất gia, cư sĩ làm công quả và các Phật tử học Phật, tu Phật và làm Phật sự theo mô hình Đạo Phật Ngày Nay. 

ĐIỀU 2. CĂN CỨ CỦA THANH QUY 
Thanh quy này được xây dựng theo tinh thần giới luật của đức Phật và Hiến chương GHPGVN, phù hợp với bối cảnh xã hội và luật pháp hiện hành nhằm giúp Tăng đoàn tại các chùa trực thuộc Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay làm Phật sự và phụng sự nhân sinh hiệu quả hơn.

ĐIỀU 3. PHƯƠNG PHÁP TU TẬP 
1. Về pháp tu cốt lõi: Tăng, Ni và Phật tử chùa Giác Ngộ và các chùa trực thuộc tu tập “bốn chân lý thánh”, nhấn mạnh “trung đạo” như đức Phật đã dạy trong Kinh chuyển pháp luân. Phương pháp tâm linh này khích lệ mọi người tiếp cận, giải quyết khổ đau và nghịch cảnh qua bốn bước: Thừa nhận khổ đau, truy tìm nguyên nhân, trải nghiệm hạnh phúc và tu tám chánh đạo (tầm nhìn chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành động chân chính, nghề nghiệp chân chính, nỗ lực chân chính, chính niệm hiện tiền và chánh định). 
2. Về thiền định: Tăng, Ni và Phật tử chùa Giác Ngộ và các chùa trực thuộc thực tập “thiền chỉ” (samatha bhāvanā) với 40 đề mục thiền nhằm phát triển định (samādhi bhāvanā) và tu thiền minh sát (vipassanā bhāvanā) còn gọi là thiền tứ niệm xứ, hay thiền chính niệm gồm quán chiếu và quản trị thân, cảm xúc, tâm và các ý niệm nhằm phát triển trí tuệ (panñnñā bhāvanā); xa lìa các tham đắm, kết thúc các phiền não trói buộc, giải thoát các khổ đau và chứng ngộ niết-bàn.
3. Về đạo đức: Tăng đoàn và Ni đoàn giữ đầy đủ các điều giới luật; giữ gìn chính niệm trong đi, đứng, ngồi, nằm; co – duỗi, nói – nín, động – tịnh và thức – ngủ. Phật tử tại gia thực tập 5 điều đạo đức (không giết người, bảo vệ hòa bình; không trộm cắp, chia sẻ sở hữu; không ngoại tình, chung thủy vợ chồng; không dối gạt, nói sự thật, nói hòa hợp, nói lịch sự, nói có ích; không sử dụng ma túy và rượu gây say, giữ sức khỏe chăm sóc hạnh phúc cho người thân).
4. Về nhập thế: Tăng, Ni và Phật tử chùa Giác Ngộ và các chùa trực thuộc tinh tấn phụng sự nhân sinh qua các hoạt động: (i) Giáo dục Phật giáo, (ii) hoằng pháp độ sinh, (iii) truyền bá văn hóa Phật giáo và (iv) làm việc nhân đạo và từ thiện.
5. Về phước thiện: Các Phật tử tinh tấn: (i) Tri ân và đền đáp 4 ân lớn (ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân tổ quốc và ân đồng loại), (ii) Siêng cúng dường và bố thí, (iii) Tích cực tham gia các Phật sự và thiện sự, (iv) Hiến máu, hiến mô, hiến tạng và hiến thi thể cho y học, (v) Tin sâu và sống đúng với nhân quả, (vi) Dẫn dắt người thân, con cháu và mọi người làm con Phật để trải nghiệm hạnh phúc trong đời.

***

II. TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ 

ĐIỀU 4. ỦY BAN LÃNH ĐẠO MỘT NGÔI CHÙA 
1. Thầy sáng lập. Là người khai sáng mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay, có thẩm quyền cao nhất trong việc hướng dẫn các phương pháp học Phật, tu Phật, truyền bá Phật pháp, làm Phật sự và thiện sự trong hệ thống Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay; có trách nhiệm lãnh đạo toàn bộ sinh hoạt tu học tại Chùa Giác Ngộ, các chùa chi nhánh và chùa trực thuộc, phù hợp với chánh pháp và giới luật của Phật, Hiến chương GHPGVN và Thanh quy này. 
2. Thầy Trụ trì. Là người chịu trách nhiệm hướng dẫn Tăng/ Ni và Phật tử tu học theo chánh pháp và giới luật của Phật, Hiến chương GHPGVN và Thanh quy này, cũng như chịu trách nhiệm toàn bộ các việc học Phật, tu Phật, truyền bá Phật pháp, làm Phật sự và thiện sự của một ngôi chùa chi nhánh hoặc chùa trực thuộc Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay.
3. Ban quản chúng/ Tri sự. Có trách nhiệm hỗ trợ, giám sát, sắp xếp, đôn đốc việc học Phật, tu Phật, làm Phật sự và thiện sự của toàn chúng. Khi Thầy Trưởng quản chúng vắng mặt, phó quản chúng sẽ thay thế trách nhiệm điều hành. 
4. Ban giáo thọ. Có trách nhiệm tham gia giảng dạy kinh điển, giới luật, thiền tập và sinh hoạt thiền môn. 
5. Ban thư ký. Phụ trách soạn thảo, giữ gìn những văn kiện, chịu trách nhiệm lên kế hoạch tu học, làm Phật sự cũng như công việc đối nội và đối ngoại của Chùa. 
6. Ban tài chính. Gồm kế toán và thủ quỹ, chịu trách nhiệm quản lý tài chính; báo cáo thu chi hàng tháng lên Thầy trụ trì và Ban quản chúng.

ĐIỀU 5. ỦY BAN CHỨC SỰ MỘT NGÔI CHÙA 
1. Ban tri khách. Chịu trách nhiệm tiếp tân, đăng ký tạm trú và sắp xếp nơi ăn, ở cho khách và Phật tử làm công quả. Tiếp nhận việc đăng ký các khóa lễ (cầu an, cầu siêu, sinh nhật, lễ cưới…) của Phật.
2. Ban đời sống. Chịu trách nhiệm quản lý, mua sắm, phân phát các pháp phục, chăn nệm, tập vở, giấy bút, xà bông và các vật dụng… cho đại chúng. 
3. Ban tri khố. Chịu trách nhiệm về ẩm thực, quản lý kho thực phẩm, mua sắm vật thực, an toàn thực phẩm, giúp mọi người có đủ sức khỏe tu tập và làm Phật sự tốt. 
4. Ban nghi lễ. Chịu trách nhiệm về các lễ tại chùa và tại tư gia. 
5. Ban hương đăng. Chịu trách nhiệm giữ vệ sinh, bao sái tượng Phật, chưng cúng hoa quả trên chính điện, nhà tổ, thiền đường, các điện và bàn thờ. 
6. Ban truyền thông. Chịu trách nhiệm chụp ảnh, quay phim, dựng phim; quản lý trang Web, Facebook; họp báo, phổ biến kinh, sách, băng, đĩa Phật pháp. 
7. Ban thị giả. Chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, giúp việc cho Thầy trụ trì; sắp xếp lịch hẹn; trợ giúp quý Tôn đức viếng chùa… 
8. Ban cơ điện, âm thanh và nước. Chịu trách nhiệm về cơ khí, điện máy, thang máy, chiếu sáng; loa, hệ thống âm thanh toàn chùa; đảm bảo nước uống, nước sinh hoạt và tưới cây.
9. Ban cây cảnh. Chịu trách nhiệm ươm, trồng và chăm sóc hoa cảnh trong chùa. 
10. Ban y tế. Chăm sóc sức khỏe, sơ cứu các bệnh thông thường; mua sắm dụng cụ y tế, thuốc men cho đại chúng. 
11. Ban an ninh. Chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh toàn Chùa và giữ xe miễn phí cho khách thập phương. 
12. Ban vệ sinh. Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong toàn chùa. Mua sắm, quản lý các dụng cụ vệ sinh.
 

***

III. THỜI KHÓA TU HỌC

ĐIỀU 6. THỜI KHÓA BIỂU HÀNG NGÀY
      04g30: Ba hồi chuông báo thức 
      04g45: Thời kinh khuya 
      05g30: Tu thiền Vipassana 
      06g00: Ăn sáng 
      07g00: Học tập/ Nghiên cứu/ Công tác 
      11g00: Ăn cơm trong chính niệm 
      11g30: Thiền hành 
      12g00: Nghỉ trưa 
      13g00: Thức chúng 
      13g15: Học tập/ Nghiên cứu/ Công tác 
      17g00: Ăn cơm 
      19g00: Tụng kinh, tọa thiền 
      20g00: Học tập/ Nghiên cứu 
      22g00: Ngủ nghỉ

ĐIỀU 7. LỊCH KHÓA TU HÀNG TUẦN 
1. Khóa tu “Búp sen từ bi”. Đối tượng: Tuổi mầm non và thiếu nhi. Giờ sinh hoạt: Thứ bảy, lúc 14:30 đến 17:00. 
2. Khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật”. Đối tượng: Tuổi thanh, thiếu niên, học sinh và sinh viên. Giờ sinh hoạt: Chủ nhật, lúc 13:00 đến 17:00. 
3. Khóa tu “Ngày an lạc”. Đối tượng: Tuổi trung niên và lão niên. Giờ sinh hoạt: Chủ nhật, lúc 06:30 đến 11:30. Các Phật tử lớn tuổi có thể tiếp tục tu học vào buổi chiều với thanh thiếu niên. 
4. Khóa tu “Thiền Vipassana”. Đối tượng: Giới chính trị, giới doanh nhân, giới trí thức, người bận rộn. Giờ sinh hoạt: Chủ nhật, lúc 06:30 đến 17:00, mỗi tuần 2 lần. 

ĐIỀU 8. HỌC PHẬT, NGOẠI NGỮ VÀ KỸ NĂNG 
Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện, các chùa chi nhánh và các chùa trực thuộc nên tổ chức các lớp học sau đây vào các ngày 2-4-6 và 3-5-7: 
1. Lớp Phật pháp căn bản 
2. Lớp Phật pháp nâng cao 
3. Lớp giáo lý hôn nhân
4. Lớp tiếng Anh/ Trung miễn phí 
5. Lớp thư pháp miễn phí 
6. Lớp võ thuật/ dưỡng sinh miễn phí 

ĐIỀU 9. NGÀY SÁM HỐI ĐỊNH KỲ 
Ngày 14 ÂL và ngày cuối tháng ÂL 
       1. Lúc 18:30: Nghe Pháp thoại. 
       2. Lúc 19:45: Làm lễ sám-hối. 
Ngày Rằm và mùng 1 ÂL 
       1. Thời kinh tối: Lúc 18:45. 
       2. Lễ đọc giới: Lúc 19:45. 

ĐIỀU 10. CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM 
30/12 AL    Đón giao thừa 
01/01 AL    Khóa Kinh cầu hòa bình 
08/01 AL    Lễ cầu an đầu năm 
15/01 AL    Lễ thượng nguyên 
08/02 AL    Kỷ niệm đức Phật xuất gia 
15/02 AL    Kỷ niệm đức Phật nhập niết-bàn; Ngày truyền thống Đạo Phật Ngày Nay 
08/04 AL    Kỷ niệm Phật đản (theo Bắc tông) 
15/04 AL    Kỷ niệm Phật đản (theo Nam tông) 
01/06 DL    Lễ quốc tế thiếu nhi 19/06 AL Kỷ niệm Bồ-tát Quan Âm 
14/07 AL    Đại lễ Vu Lan, cầu thọ cha mẹ, báo đền 4 trọng ân

ĐIỀU 11. NGHI LỄ 
1. Trước khi tụng kinh, chắp tay xá theo tiếng khánh, nhịp nhất tứ. 
2. Phần phục nguyện và Tự Quy y, chắp tay trang nghiêm, hướng về bàn Phật. 
3. Kết thúc thời kinh, đặt kinh ở đầu bàn, chắp tay xá theo tiếng khánh, nhịp nhất tứ. Khi nghe ba tiếng chuông, trình tự đi thiền hành về nội viện. 

ĐIỀU 12. HIỆU LỆNH 
1. Bảng lệnh tập trung: sáng là bảng 1; khuya, trưa, chiều và tối là bảng 2. 
2. Bảng lệnh xuất phát: sáng là bảng 2; khuya, trưa, chiều và tối là bảng 3. 
3. Khi có bảng lệnh tập trung, các Tăng sĩ tập trung nhẹ nhàng tại hành lang tầng trệt, xếp hàng trong 7 phút. 
4. Khi có bảng lệnh xuất phát, các Tăng sĩ đi thiền hành từ Nội viện đến Chánh điện.

***

IV. GIỚI LUẬT VÀ PHẨM HẠNH NGƯỜI XUẤT GIA 

ĐIỀU 13. GIỮ GÌN GIỚI LUẬT ĐÃ TIẾP NHẬN 
1. Không được giết hại con người, động vật; không được phá hoại môi trường sinh thái. Không được tán đồng, xúi giục, đồng lõa với sự giết hại. Bảo vệ hòa bình, tôn trọng sự sống, thương yêu loài vật, bảo vệ môi trường. 
2. Không được trộm cắp tài sản, tiền bạc, vật dụng của người. Những gì không cho thì không được lấy. Học hạnh chia sẻ, bố thí, cúng dường, tương thân, tương trợ. 
3. Không được dâm dục: Không xem phim ảnh, sách báo đồi trụy, không nghe và không bàn về tính dục; nỗ lực chuyển hóa năng lực tính dục bằng thiền duyệt, pháp hỷ và Phật sự.
4. Không được lừa dối, chỉ nói sự thật, nói lời hòa hợp, nói lời lịch sự, nói lời có ích. 
5. Không được tiêu thụ các loại độc tố ma túy, rượu bia, thuốc lá, chất nghiện. 
6. Không được trang sức nước hoa, son phấn, không đeo dây chuyền và các loại nhẫn; sống đời giản dị, giữ gìn các phẩm chất thanh cao. 
7. Không ca múa, hát, không tham gia các trò mua vui của thế gian. 
8. Không nằm giường, tòa, ghế sang trọng, sống đời đạm bạc, không say ngủ nghỉ, không đắm thế gian. 
9. Không ăn phi thời, đề cao lối sống ít muốn, biết đủ, tiêu thụ ít, không đắm nhiễm khẩu vị và mùi vị. 
10. Không cất giữ tiền bạc, vật báu, vượt qua tâm tham đắm. Ngoài trừ các Phật sự, được Tăng đoàn/ Ni đoàn đặc trách các việc cần đến tiền bạc. 
11. Duy trì chính niệm trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Làm chủ giác quan. Chú tâm hiện tại, trang nghiêm tâm ý, lời nói, hành vi.
12. Tận tâm với Phật pháp: Tinh tấn tu tập từ, bi, hỷ, xả. Nhiệt tình dấn thân phụng sự chúng sinh bằng tâm vô ngã và lòng vị tha.

ĐIỀU 14. TU SÁU HÒA HỢP 
1. Thân hòa cùng ở: Hài hòa trong phòng chung và trong một trú xứ. Không ở thất, cóc riêng. 
2. Khẩu hòa không cãi: Trao đổi Phật pháp với tâm cầu học; Truyền thông, giao tiếp thân thiện, hòa nhã; không tranh luận hơn thua; góp ý xây dựng, giúp bạn đồng tu tiến bộ, không chỉ trích, nói xấu. 
3. Ý hòa vui vẻ: Tâm ý hoan hỷ, không được sanh nạnh, không chống báng nhau. Tinh thần tùy hỷ, hòa nhã, hợp tác vì việc Phật pháp và việc lợi sinh. 
4. Quan điểm hài hòa: Trao đổi Phật pháp và các hiểu biết trong sự kính trọng; thể hiện tâm khiêm tốn, biết lắng nghe; tạo sự hài hòa trong quan điểm và lý tưởng sống. 
5. Giới hòa cùng tu: Giữ gìn trọn vẹn các giới phẩm đã thọ, giữ gìn thân, khẩu, ý thanh tịnh.
6. Lợi hòa cùng chia: Phân chia đồng đều bốn nhu yếu phẩm: thức ăn, y hậu, giường chiếu, thuốc thang; học hạnh ít muốn, hài lòng, biết đủ.

ĐIỀU 15. TÔN TRỌNG LUẬT NGHI 
1. Tham dự đầy đủ các thời khóa tụng kinh, ngồi thiền, sám hối, cúng quá đường, thiền hành sau ăn cơm và lễ bố-tát; nghe giảng pháp trong khóa tu; hoàn thành tốt việc chấp tác khi được phân công. Nếu nghỉ hoặc bỏ giữa chừng mà không có lý do chính đáng thì phải sám hối giữa chúng. 
2. Tăng sĩ phải mặc pháp phục thống nhất. Phải mặc áo dài trong khuôn viên Chùa. Không được mặc quần đùi, ở trần trong lúc chấp tác và chơi thể thao. 
3. Tăng không được qua khu Ni viện. Ni không được qua khu Tăng viện. Khi được phân công liên hệ Phật sự, phải đi hai người trở lên. 
4. Tăng và Ni không được ngồi riêng ở chỗ vắng vẻ, không được tụ tập, nói chuyện cùng nhau. 
5. Luôn luôn đề cao ý thức trách nhiệm. Khi được giao việc gì thì bày tỏ lòng hoan hỷ, làm tận tâm và tròn nhiệm vụ; không đùn đẩy nhau, không cạnh tranh nhau, không hiềm khích nhau; có tâm giúp đỡ và tùy hỷ công đức. 
6. Đề cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết, tương thân, tương trợ để cùng tiến bộ trong tu học.
7. Khi có việc ra khỏi Chùa phải được sự chấp thuận của Ban Quản chúng. Khi Bổn sư, cha mẹ bệnh nặng và viên tịch; đi khám bệnh, điều trị bệnh và các duyên sự chính đáng khác, Ban Quản chúng sẽ cho phép, sau khi đã gọi điện thoại xác minh. 
8. Không tham gia các tiệc giỗ, cưới hỏi, họp lớp, cải táng, liên hoan, sinh nhật của bạn bè. Dành thời gian cho việc học Phật, tu Phật và làm Phật sự được phân công. 
9. Ngoài các Phật sự đã được phân công mới được ra khỏi Chùa; hạn chế tối đa việc ra khỏi chùa. Khi có việc chánh đáng cần đi thì phải bạch Tăng đúng pháp. Không được đi quá thời gian cho phép. Khi ra ngoài, gặp tình huống bất khả kháng, Tăng/ Ni gọi điện thoại về xin phép gia hạn với lý do rõ ràng. 
10. Nếu không được phân công và cho phép của Tăng thì không được tự ý kêu gọi thí chủ cúng dường Tam bảo. Không được gợi ý thí chủ cúng dường cho riêng mình. Biết trân quý, giữ gìn và tiết kiệm của/ tiền cúng dâng của thí chủ. 
11. Ngoài các Phật sự được phân công, Tăng/ Ni không được sử dụng các thiết bị điện tử nghe nhìn; không lập blog cá nhân, không lập riêng facebook và các mạng xã hội cho mục đích cá nhân; dành thời gian cho các trang web, facebook và mạng xã hội của Chùa với mục đích truyền bá Phật pháp. 
12. Siêng năng soi gương nhân cách bản thân. Không nên nhìn lỗi người, không nói xấu. Thực hành hạnh kiên nhẫn, khiêm tốn, cung kính, biết ơn và vâng lời đúng. 
13. Khi có lỗi nên phát lồ sám hối. Khi được đồng tu chỉ lỗi nên hoan hỷ nhận lỗi và khắc phục, không tái phạm. Khi thấy đồng tu phạm lỗi thì nên vì tâm từ bi, chỉ lỗi khuyến tấn, giúp đỡ vượt qua.

ĐIỀU 16. NỘI VIỆN TĂNG VÀ NỘI VIỆN NI 
1. Khu nội viện là nơi Tăng đoàn/ Ni đoàn sinh hoạt, học Phật và tu Phật do Trụ trì và Ban quản chúng điều hành theo Thanh quy này. Các Phật tử không vào khu vực này.
2. Khu nội viện phải có biển tên được đặt tại cổng chính, trên đó ghi rõ tên gọi đầy đủ bằng tiếng Việt và tiếng Anh: “Khu nội viện Tăng” (Monks’ Quarter) dành cho Tăng đoàn và “Khu nội viện Ni” (Nuns’ Quarter) dành cho Ni đoàn. 
3. Khu nội viện phải có nội quy đặt tại nơi dễ thấy nhất; có văn phòng của Ban quản chúng; có các phương tiện thông tin cho Tăng đoàn/ Ni đoàn trong Khu nội viện. 
4. Phòng ở, phòng sinh hoạt phải có số phòng và biển tên. 
5. Khu nội viện phải có các điều kiện, tiện nghi tối thiểu nhằm bảo đảm nhu cầu cư trú, tu học, sinh hoạt của Tăng đoàn/ Ni đoàn; có đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy. 

ĐIỀU 17. TĂNG PHÒNG 
1. Không được cải tạo phòng, tự ý thay đổi hoặc di chuyển trang thiết bị trong phòng ở; không được viết vẽ, che chắn làm mất mỹ quan trong phòng ở và khu sinh hoạt chung của Chùa. 
2. Không tàng trữ, sử dụng, buôn bán, vận chuyển, phát tán các loại vũ khí, chất gây cháy, gây nổ, hóa chất độc hại, ma túy, rượu bia, thực phẩm mặn, thuốc lá. Không phát tán các tài liệu, ấn phẩm, phim ảnh, thông tin phản động, đồi trụy và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước. 
3. Không tổ chức hoặc tham gia hoạt động chính trị chống phá Nhà nước. Không truyền bá các hoạt động mê tín, dị đoan, bói toán, đồng bóng, tướng số, phong thủy. Không tổ chức và tham gia mọi hình thứ cá cược và đánh bạc. 
4. Không được sử dụng xe honda và xe hơi cá nhân (trừ trường hợp đặc biệt và được phép của ban quản chúng). Nếu không có phận sự, không nên tự tiện sử dụng các xe điện. Không được chạy xe trên nền cỏ, sân trước học đường và trong sân Chùa để giữ gìn nền gạch và tránh tổn hại cây cỏ. 
5. Không cho người ngoài vào phòng ở. Không tiếp khách trong phòng ở; chỉ được tiếp khách ở phòng khách trong 60 phút. Nếu người thân có nhu cầu thọ trai, nghỉ ngơi, hay ngủ lại đêm phải được sự cho phép của Ban Quản chúng. 
6. Giữ gìn sự yên tịnh trong phòng liêu, không nói chuyện ồn ào làm ảnh hưởng đến người xung quanh. 
7. Không đun nấu, tổ chức ăn, uống trong phòng ở. Không đốt các chất liệu gây khói, lửa, nổ. Giữ gìn phòng ở gọn gàng, sạch đẹp, lịch sự. Trước phòng và ngoài hành lang, không được phơi quần áo. 

ĐIỀU 18. NGHĨA VỤ CỦA TĂNG/ NI 
1. Thực hiện đăng ký tạm trú theo đúng quy định của Luật Cư trú hiện hành. Nếu vắng mặt khỏi Chùa thì Tăng/ Ni phải xin phép Ban quản chúng (theo mẫu đơn soạn sẵn). 
2. Chấp hành các quy định của Chùa về việc tiếp khách, giờ tu học, tổ chức các sinh hoạt, không gây ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của Tăng/ Ni khác trong phòng ở. 
3. Tiết kiệm điện, nước; phòng chống cháy nổ; có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản chung của Chùa. 
4. Nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản của Chùa phải bồi thường theo quy định của Ban quản chúng. 
5. Phản ánh kịp thời các vụ việc xảy ra trong Chùa liên quan đến Tăng/ Ni vi phạm Thanh quy này. 
6. Tích cực tham gia các hoạt động Phật sự, thiện sự và các hoạt động khác do Ban quản chúng tổ chức. 

***

V. BẢN SẮC VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

ĐIỀU 19. KIẾN TRÚC, MỸ THUẬT VIỆT NAM 
Nỗ lực giữ gìn và truyền bá bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Kiến trúc, mỹ thuật của các chùa chi nhánh và chùa trực thuộc Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay phải thể hiện bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. 

ĐIỀU 20. BẢNG BIỂN THUẦN VIỆT 
Ngoại trừ các chùa thuộc di tích cấp, phải giữ nguyên dạng; các bảng chùa, hoành, phi, câu đối, liễn đối, kinh tụng trong các chùa chi nhánh và chùa trực thuộc mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay đều dùng tiếng Việt. 

ĐIỀU 21. NGHI THỨC TỤNG NIỆM 
Các chùa chi nhánh và trực thuộc phải sử dụng thống nhất các kinh điển thuần Việt do Sư phụ Thích Nhật Từ dịch và biên soạn gồm Nghi thức tụng niệm, Kinh tụng hàng ngày, Kinh Phật cho người xuất gia, Kinh Phật cho người tại gia, Kinh Phật cho người bắt đầu, Kinh Phật về đạo đức và xã hội, Kinh Phật về thiền và chuyển hóa và một số kinh điển khác v.v…

ĐIỀU 22. PHÁP PHỤC XUẤT GIA
Các Tăng/ Ni tại các chùa chi nhánh và các chùa trực thuộc phải sử dụng các pháp phục thống nhất về tông màu và phong cách: 
1. Thường phục: Tăng và Ni đều mặc áo cà-sa màu lam. 
2. Áo dài: Tăng mặc áo nhật bình màu nâu. Ni mặc áo nhật bình màu lam. 
3. Áo hậu: Sử dụng áo nhật bình màu vàng thay cho áo hậu. Tay áo hậu không rộng hơn 60cm. 
4. Y vàng: Các Sa-di/ Sa-di-ni, Thức-xoa và Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni sử dụng y vàng với số “điều y” tương thích như được quy định trong Luật tạng Bắc tông. 

ĐIỀU 23. GIỮ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ 
1. Duy trì và quảng bá truyền thống làm Phật tử dòng, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm đạo đức và cam kết hướng dẫn con cháu “làm con Phật” từ tuổi mầm non, nương tựa Phật, Pháp, Tăng; tham dự các sinh hoạt tu học giới trẻ tại các chùa. 
2. Tăng/ Ni phải năng động tổ chức các khóa tu học cho các Phật tử phù hợp với nhóm lứa tuổi. Khóa “Búp sen từ bi” cho các cháu mầm non và thiếu nhi. Khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật” cho thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên. Khóa tu “Ngày an lạc” cho người trung niên và lão niên. Khóa tu “Thiền Vipassana” cho giới doanh nhân, giới chính trị, giới trí thức, giới trẻ và người bận rộn. 

ĐIỀU 24. TỔ CHỨC LỄ CƯỚI TẠI CHÙA 
1. Hướng dẫn con cháu chọn người yêu và vợ chồng trong tương lai là Phật tử, nhờ đó, cùng có chung thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan, tu tập quan, giải thoát quan, cách nuôi dạy và định hướng tương lai con cháu theo tinh thần Phật dạy, nhờ đó. 
2. Hướng dẫn các bậc cha mẹ tổ chức lễ cưới của con cháu tại Chùa để giới trẻ hiểu lời Phật dạy về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình, trách nhiệm xã hội, nhờ đó, sống hạnh phúc trong hôn nhân theo hướng bền vững. 

***

VI. CHÙA CHI NHÁNH VÀ CHÙA TRỰC THUỘC 

ĐIỀU 25. CÁC KHÁI NIỆM 
Các chùa theo mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay gồm có chùa chi nhánh và chùa trực thuộc. 
1. “Chùa chi nhánh” là khái niệm chỉ cho các chùa được Sư phụ Thích Nhật Từ sáng lập/ xây dựng và các chùa do các đệ tử xuất gia/ tại gia của Sư phụ Nhật Từ xây dựng. 
2. “Chùa trực thuộc” là khái niệm cho các chùa do các Tăng, Ni, Phật tử khác xây dựng; tình nguyện tham gia tu Phật, học Phật, truyền bá Phật pháp, làm Phật sự và thiện sự theo mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay. 

ĐIỀU 26. MỤC ĐÍCH THÀNH LẬP CÁC CHÙA CHI NHÁNH VÀ CHÙA TRỰC THUỘC 
1. Sự thành lập các chùa chi nhánh và các chùa trực thuộc mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay là nhằm tăng cường hiệu quả “phụng sự nhân sinh, tốt đời, đẹp đạo; sáng soi đạo pháp, hộ quốc, an dân”. 
2. Giúp quý Tăng/ Ni tại các chùa chi nhánh và các chùa trực thuộc tổ chức việc học Phật, tu Phật, truyền bá Phật pháp, làm Phật sự và phụng sự nhân sinh một cách hiệu quả hơn.

ĐIỀU 27. ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP
Các chùa muốn trở thành các “chùa trực thuộc” Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay, trên nền tảng tình nguyện, cần cam kết học Phật, tu Phật, truyền bá Phật giáo, làm Phật sự và thiện sự theo mô hình nhập thế của Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay như được quy định trong Thanh quy này, nhằm góp phần phát triển Phật giáo, phụng sự xã hội, mang lại lợi ích và hạnh phúc cho nhân sinh. 

ĐIỀU 28. TIẾN TRÌNH ĐƯỢC CHẤP NHẬN 
1. Sau khi gửi Thỉnh nguyện gia nhập (theo mẫu có sẵn) đến Tổng đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay, quý Tăng/ Ni trụ trì các chùa muốn trở thành trực thuộc sẽ được hướng dẫn/ hỗ trợ cách tổ chức học Phật, tu Phật, truyền bá Phật pháp, làm Phật sự và thiện sự theo mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay. 
2. Cho đến lúc “mô hình học Phật, tu Phật, truyền bá Phật pháp, làm Phật sự và thiện sự” được áp dụng và Lễ ra mắt Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay được tổ chức thì tình trạng “chùa chi nhánh” và “chùa trực thuộc” mới được chính thức thừa nhận và công bố. 
3. Các chùa chi nhánh và chùa trực thuộc mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay có thể mất “tình trạng chi nhánh và trực thuộc” khi các vị Trụ trì, sau nhiều lần nhắc nhở mà không nỗ lực cải thiện, không tiếp tục học Phật, tu Phật, truyền bá Phật pháp, làm Phật sự và thiện sự theo Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay… Tình trạng chùa chi nhánh và chùa trực thuộc được tái xác lập khi có những cải thiện được thừa nhận phù hợp với tinh thần của Thanh quy này.

 ĐIỀU 29. QUYỀN LỢI KHI GIA NHẬP 
Các chùa chi nhánh và các chùa trực thuộc sẽ được Tổng đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay hướng dẫn, giúp đỡ và hưởng các quyền lợi sau đây: 
1. Được hướng dẫn và hỗ trợ các phương pháp tổ chức học Phật, tu Phật, truyền bá Phật pháp, làm Phật sự và thiện sự theo mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay. 
2. Được cúng dường các nghi thức tụng niệm, kinh sách Phật giáo, các sách giáo khoa Phật giáo, các cẩm nang tu học, máy nghe Phật pháp… nhằm phục vụ cho việc tu học của Tăng, Ni và Phật tử. 
3. Tăng/ Ni tại các chùa chi nhánh và chùa trực thuộc được ưu tiên xét duyệt nhận Học bổng Đạo Phật Ngày Nay trong nước và nước ngoài. 
4. Được tham gia miễn phí các khóa học ngắn về kinh nghiệm làm đạo, cập nhật các kiến thức và phương pháp nhập thế. 
5. Được trực tiếp tham dự hoặc giới thiệu tham gia các hội thảo, tọa đàm do Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay tổ chức, đồng tổ chức, bảo trợ, điều phối v.v… 
6. Được kiến nghị với Tổng Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay các giải pháp góp phần phát triển việc học Phật, tu Phật, truyền bá Phật pháp, làm Phật sự và thiện sự. Được đề đạt nguyện vọng và khiếu nại nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của các chùa chi nhánh và chùa trực thuộc.

***

VII. TẬP SỰ XUẤT GIA, THỌ GIỚI VÀ HÀNH ĐẠO 

ĐIỀU 30. YÊU CẦU VỀ NGƯỜI TẬP SỰ XUẤT GIA 
1. Không nhận người muốn xuất gia quá 50 tuổi, ngoại trừ trường hợp đặc biệt. 
2. Người có vợ/ chồng muốn xuất gia phải có đơn xác nhận đồng ý của vợ/ chồng. Trước khi được thế phát xuất gia, phải hoàn tất việc ly dị đúng theo pháp luật. 
3. Không bị tật nguyền. Không bị những bệnh truyền nhiễm (HIV, AIDS), bệnh nan y (tim, phổi, lao, siêu vi, gan B, tiểu đường). Không bị bệnh tâm thần, tâm lý không ổn định. 
4. Không vị phạm luật pháp. Không bị nợ nần. Không nghiện ngập ma túy, rượu bia, thuốc lá, game điện tử, cờ bạc
5. Có lý tưởng xuất gia. Có tâm cầu đạo tha thiết. Quyết tâm học Phật và tu Phật. Có chí nguyện độ sinh. 

ĐIỀU 31. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC XUẤT GIA 
1. Phải tuân thủ đầy đủ và không vi phạm Thanh quy này. Vâng lời hướng dẫn của thầy bổn sư và hoan hỷ làm theo lời chỉ dạy của Ban Quản chúng về học Phật, tu Phật và làm công quả. 
2. Từ lúc vào chùa tập sự xuất gia, phải đủ tối thiểu 03 tháng với nhiều tiến bộ trong học Phật, tu Phật và chuyển hóa tâm tánh mới được xét duyệt xuất gia. Trường hợp đặc biệt, có nhiều tiến bộ trong tu học sẽ được xuất gia sớm hơn. 

ĐIỀU 32. BA ĐIỀU PHÁT NGUYỆN XUẤT GIA 
1. Phát nguyện thứ nhất: Ý thức được rằng xuất gia là lý tưởng sống theo hạnh nguyện xuất trần cao cả của các đức Phật và các bậc thầy tổ, con nguyện cắt bỏ hoàn toàn đời sống ái dục, trọn đời độc thân nhưng không cô đơn, giữ giới hạnh thanh tịnh. 
2. Phát nguyện thứ hai: Ý thức được rằng xuất gia là con đường tu học và hành trì lâu dài, đòi hỏi đến lòng kiên nhẫn và nhiều nguyện lực, con nguyện vượt qua tất cả thử thách và chướng duyên, không dể duôi trong các khoái lạc giác quan, không đắm nhiễm thói đời, không chạy theo danh lợi thấp kém, không tham gia chính trị, không phản bội lại lý tưởng Phật pháp, quyết chí đạt được giác ngộ và giải thoát.
3. Phát nguyện thứ ba: Ý thức được rằng xuất gia là tiếp nối lý tưởng và sự nghiệp cứu độ chúng sanh của các đức Phật và các bậc thầy tổ, con nguyện làm lớn mạnh các đức tính từ bi, trí tuệ và không sợ hãi, sống bằng thái độ và hành động vị tha cao cả của các bậc Bồ-tát để hoàn thành chí nguyện xuất trần và nối gót con đường độ sanh của các bậc tiền bối.

ĐIỀU 33. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC THỌ GIỚI 
1. Sau khi thế phát xuất gia tối thiểu 01 năm, các chú/ cô nào có nhiều tiến bộ trong chuyển hóa thân tâm, tinh tấn học Phật, tu Phật và làm công quả sẽ được Ban Quản chúng đề xuất lên thầy Bổn sư cho phép thọ giới Sa-di/ Sa-di-ni. 
2. Sau trung bình 02 năm làm Sa--ni, cô nào có nhiều tiến bộ trong học Phật, tu Phật là công quả sẽ được Ban Quảnchúng đề xuất lên thầy Bổn sư cho phép thọ giới Thức-xoa-ma-na-ni. 
3. Sau 03 năm thọ giới Sa-di (đối với Tăng) hoặc Thức-xoa-ma-na-ni (đối với Ni), các chú nào, cô nào đã hoàn tất tối thiểu Cao đẳng Phật học sẽ được Ban Quản chúng đề xuất lên thầy Bổn sư cho phép thọ giới Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt sẽ được xét duyệt riêng.

 ĐIỀU 34. XUẤT CHÚNG VÀ TÁI NHẬP CHÚNG 
1. Tăng/ Ni nào vì nhu cầu học Phật, tu Phật và trao dồi kinh nghiệm làm Phật sự ở các chùa khác, muốn xuất chúng trong thời gian nhất định, cần làm giấy thỉnh nguyện xuất chúng, trình Ban Quản chúng và thầy Bổn sư/ Trụ trì xét duyệt và cho phép. 
2. Tự ý bỏ chùa đi, không xin phép hoặc không được phép của thầy Bổn sư/ Trụ trì sẽ không được tái nhập chúng tu học. Tự ý bỏ chùa đi không lý do là ứng xử kém văn hóa, vô lễ với thầy Bổn sư/ Trụ trì, khó được tha thứ. 
3. Khi hết thời gian xuất chúng, nếu muốn nhập chúng tu học tại Chùa phải làm giấy thỉnh nguyện nhập chúng. Việc chúng đề xuất lên thầy Bổn sư cho phép thọ giới Thức-xoa-ma-na-ni. 
3. Sau 03 năm thọ giới Sa-di (đối với Tăng) hoặc Thức-xoa-ma-na-ni (đối với Ni), các chú nào, cô nào đã hoàn tất tối thiểu Cao đẳng Phật học sẽ được Ban Quản chúng đề xuất lên thầy Bổn sư cho phép thọ giới Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt sẽ được xét duyệt riêng. 

ĐIỀU 34. XUẤT CHÚNG VÀ TÁI NHẬP CHÚNG 
1. Tăng/ Ni nào vì nhu cầu học Phật, tu Phật và trao dồi kinh nghiệm làm Phật sự ở các chùa khác, muốn xuất chúng trong thời gian nhất định, cần làm giấy thỉnh nguyện xuất chúng, trình Ban Quản chúng và thầy Bổn sư/ Trụ trì xét duyệt và cho phép. 
2. Tự ý bỏ chùa đi, không xin phép hoặc không được phép của thầy Bổn sư/ Trụ trì sẽ không được tái nhập chúng tu học. Tự ý bỏ chùa đi không lý do là ứng xử kém văn hóa, vô lễ với thầy Bổn sư/ Trụ trì, khó được tha thứ. 
3. Khi hết thời gian xuất chúng, nếu muốn nhập chúng tu học tại Chùa phải làm giấy thỉnh nguyện nhập chúng. Việc nhập chúng trở lại chỉ có giá trị khi thầy Bổn sư/ Trụ trì chấp nhận. 
4. Vì nghịch duyên, không thể tiếp tục tu tập, Tăng/ Ni cần thỉnh nguyện thầy Bổn sư/ Trụ trì để được xả y, xả giới đúng với giới luật Phật dạy. Khi muốn xuất gia lại, tiếp tục tu thì phải tập sự như mới bắt đầu. Chỉ khi nào có những tiến bộ trong học Phật và tu Phật mới được cho thọ giới. 

ĐIỀU 35. KIẾN THỨC NỘI ĐIỂN VÀ NGOẠI ĐIỂN 
1. Về nội điển. Tăng/ Ni phải học Phật pháp từ thấp đến cao, học có hệ thống và học thấu đáo nhằm thâm nhập biển chân lý và trí tuệ của đức Phật. Trình độ Phật học mà Tăng/ Ni cần đạt được tối thiểu là Cao đẳng Phật học. 
2. Về ngoại điển. Tăng/ Ni tốt nghiệp tối thiểu lớp 12. Các Tăng/ Ni trẻ được khích lệ và hỗ trợ học các cấp học Cao đẳng, Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ để dấn thân vào các lãnh vực giáo dục, hoằng pháp và nhập thế. 

ĐIỀU 36. TU THIỀN, TRUYỀN BÁ PHẬT PHÁP VÀ LÀM PHẬT SỰ 
1. Tăng/ Ni siêng tu thiền chỉ để đạt tâm định, chuyên tu thiền quán, làm chủ thân thể, cảm giác, tâm và ý niệm để chuyển hóa khổ đau. 
2. Tăng/ Ni siêng giảng dạy Phật pháp, chia sẻ chân lý đến Phật tử tại gia, giúp họ vượt qua mê tín và sợ hãi, sống đời an vui. 
3. Tăng/ Ni cần năng động và tinh tấn làm các Phật sự và thiện sự, giúp mọi người học Phật và tu Phật được an lạc và hạnh phúc ở kiếp này và kiếp sau. 

ĐIỀU 37. LẤY TRUNG ĐẠO LÀM CHUẨN 
1. Tăng/ Ni phải có trách nhiệm hướng dẫn Phật tử trở về chánh đạo của đức Phật. Tu tập theo bốn chân lý thánh, tăng trưởng trí tuệ. Tiếp cận các vấn nạn bằng luật nhân quả. Giải quyết khổ đau bằng Bát chánh đạo. 
2. Tăng/ Ni không sao chép các hình thức “đạo Phật pháp môn” của các tổ sư… Không tự tiện sử dụng phương tiện, hạ thấp đạo Phật. Quyết tâm truyền bá đạo Phật của đức Phật, năng động nhập thế, cứu giúp mọi người vượt qua khổ đau. 

***

VIII. KHÁCH TĂNG, DU KHÁCH VÀ NGƯỜI CÔNG QUẢ 

ĐIỀU 38. KHÁCH TĂNG 
1. Các khách Tăng/ Ni vui lòng trình báo Chứng nhận Tăng/ Ni hoặc Điệp giới với Ban Tri khách. 
2. Thời gian lưu trú trong Nội viện không quá 14 ngày. Tăng phải sinh hoạt trong Nội viện Tăng. Ni phải sinh hoạt trong Nội viện Ni. 
3. Trong thời gian lưu trú tại Nội viện, các khách Tăng/ Ni phải tuân thủ Thanh quy của Chùa. 
4. Các khách Tăng/ Ni không được tự tiện truyền bá các lối tu tập riêng, không phát kinh, sách, tài liệu, băng, đĩa, máy nghe giảng trái với các quy định của Thanh quy này.
5. Các khách Tăng/ Ni muốn nhập chúng tu học tại Chùa Giác Ngộ, các chùa chi nhánh và chùa trực thuộc phải có giấy giới thiệu của Bổn sư/ Y chỉ sư hoặc một bậc Tôn túc để đảm bảo tư cách nhân thân và phải thử thách trong 01 tháng. 

ĐIỀU 39. KHÁCH VÃNG LAI VÀ KHÁCH Ở LẠI ĐÊM 
1. Chùa Giác Ngộ, các chùa chi nhánh và chùa trực thuộc chia làm 02 khu vực: Khu nội viện và Khu ngoại viện. Khách hành hương và du khách chỉ được tham quan Khu ngoại viện. Khu Nội viện Tăng dành cho Tăng, Nội viện Ni dành cho Ni. Các Phật tử không được tự ý vào Nội viện Tăng/ Ni. 
2. Ngoại trừ khách muốn nghiên cứu về phương pháp tu hành của chùa thì được cho phép trong phạm vi giới hạn và phải được sự hướng dẫn của thầy Tri khách. 
3. Đối với khách ở ngắn hạn. Khách có thân nhân là Tăng sĩ trong Chùa, hoặc muốn tu học, hoặc tìm hiểu, nghiên cứu mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay không ở quá 07 ngày. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, phải được sự cho phép của Trụ trì.
4. Đối với khách ở dài hạn. Thân nhân của Tăng sĩ, Phật tử làm công quả hoặc các cư sĩ phụ trách các phận sự trong Chùa muốn ở dài hạn phải được sự chấp thuận của Trụ trì. 
5. Khách phải ở khu dành cho Phật tử, giữ gìn sạch sẽ nơi ăn, chốn ở. Đi vệ sinh, tắm giặt, phơi đồ đúng nơi dành cho Phật tử. 

ĐIỀU 40. NGƯỜI LÀM CÔNG QUẢ 
1. Người đến chùa xin làm công quả phải là Phật tử, có sự giới thiệu của một Phật tử thân tín của Chùa để đảm bảo lý lịch nhân thân. 
2. Người làm công quả phải nộp tại Văn phòng Chùa các giấy tờ xác nhận lý lịch, địa chỉ cư trú, Chứng minh nhân dân và các giấy tờ liên hệ khác để tiện liên hệ về sau. 
3. Người làm công quả phải có lòng tôn kính Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo; tôn kính, lễ phép và vâng lời dạy bảo của Tăng đoàn/ Ni đoàn. 
4. Người làm công quả phải có tinh thần tương kính, hài hòa, tương trợ, không sanh nạnh, không ăn nói lớn tiếng; không thị phi; hoan hỷ với các Phật sự được giao; cố gắng hoàn thành tốt các công việc được giao phó hay tình nguyện gánh vác. 
5. Có tinh thần cầu tiến, thái độ vui vẻ khi được chỉ lỗi và cố gắng sửa đổi cho mình ngày càng tốt hơn. 
6. Người làm công quả phải giữ gìn tài sản của Chùa và tiết kiệm điện, nước và sinh hoạt phí. 
7. Người làm công quả không được sử dụng ma túy, uống rượu, bia; không hút thuốc lá, cờ bạc; không nghe nhạc đời trong Chùa; không xem, đọc các sản phẩm đồi trụy. 
8. Người làm công quả không được tự ý vào khu Nội viện, không được lên Tăng phòng. Không được tự ý đánh chuông, mỏ trên điện Phật. Không tự ý sử dụng tài vật của Chùa khi chưa được Tăng đoàn/ Ni đoàn cho phép. 
9. Người làm công quả nên siêng năng tham dự tụng Kinh, nghe pháp, khóa tu để chuyển hóa thân, tâm. Khi tu học phải mặc áo tràng đồng phục trang nghiêm. Khi ăn cơm, giữ yên lặng trong chính niệm. 
10. Người làm công quả phải ở khu dành cho Phật tử, giữ gìn sạch sẽ nơi ăn, chốn ở. Đi vệ sinh, tắm giặt, phơi đồ đúng nơi dành cho Phật tử. 

ĐIỀU 41. NỘI QUY NHÀ BẾP 
Nhằm giúp nhà bếp phục vụ tốt việc ăn uống của các Tăng đoàn/ Ni đoàn, đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ gìn vệ sinh chung, mọi người làm việc tại nhà bếp cần tuân thủ những điều sau đây: 
1. Nhà bếp mở cửa lúc 4h00 sáng và đóng cửa lúc 19h00 mỗi ngày. Không ai được phép vào nhà bếp ngoài thời gian đã quy định (ngoại trừ các ngày phục vụ khóa tu và lễ hội). 
2. Luôn giữ oai nghi và chánh niệm khi làm việc tại nhà bếp. 
3. Không được di chuyển vật dụng của nhà bếp ra khỏi nhà bếp.
4. Vật dụng trong nhà bếp lấy nơi nào, phải trả về đúng vị trí cũ. 
5. Khi cắt gọt thực phẩm, nấu nướng, phân chia thức ăn, phải mang khẩu trang và tạp dề; cư sĩ phải đội mũ mấn của người làm bếp. 
6. Tăng Ni sinh và Phật tử làm việc tại nhà bếp phải đeo thẻ đã được Ban Quản chúng cấp phát. Người không có phận sự không được tự ý vào nhà bếp, nếu không được phép của người quản lý nhà bếp hoặc Ban Quản chúng. 
7. Phật tử muốn làm công quả ở nhà bếp, vui lòng đăng ký trước và nộp bản sao giấy chứng minh nhân dân (có thị thực) cho người quản lý nhà bếp. 
8. Khi mang các thực phẩm mang đến cúng dường, các Phật tử vui lòng gặp người quản lý nhà bếp để kiểm tra an toàn thực phẩm. Các thực phẩm phải được đặt đúng vị trí theo hướng dẫn của người quản lý nhà bếp. 
9. Phải tiết kiệm của Tam bảo. Khi sử dụng xong phải tắt đèn, nước và gas. 

***

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

ĐIỀU 42. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Trụ trì các chùa chi nhánh và các chùa trực thuộc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản lên thầy Sáng lập về Tổng kết chương trình sinh hoạt, học và tu trong năm để thầy Sáng lập nắm bắt, đôn đốc, khen thưởng và sách tấn nhằm phát triển mô hình Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay. 
2. Ủy ban Chức sự có trách nhiệm báo cáo lên Ủy ban Lãnh đạo và Ủy ban Lãnh đạo tổng hợp bằng văn bản, báo cáo lên thầy Trụ trì về chương trình sinh hoạt, học, tu của Tăng đoàn / Ni đoàn trong Chùa để thầy Trụ trì giám sát, đôn đốc, khen thưởng và sách tấn.

ĐIỀU 43. KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT 
1. Tăng/ Ni vi phạm các khoản của Thanh quy này, tùy theo mức độ sẽ bị Ban lãnh đạo xử lý kỷ luật nghiêm khắc: 
     - Vi phạm lần 1: Nhắc nhở riêng. 
     - Vi phạm lần 2: Nhắc nhở trước đại chúng. 
     - Vi phạm lần 3: Viết kiểm điểm và sám hối trước đại chúng. 
     - Vi phạm lần 4: Đề nghị Thầy Trụ trì tẩn xuất. 
2. Các tập thể, cá nhân có thành tích trong sinh hoạt tu học và làm Phật sự được xem xét khen thưởng để khích lệ đại chúng. 

ĐIỀU 44. HIỆU LỰC 
Thanh quy này có 9 chương, 44 điều, có hiệu lực từ ngày ký. Các điều khoản trong Thanh quy sẽ được tu chỉnh, bổ sung, tùy điều kiện thực tế. 


TM. TỔNG ĐẠO TRÀNG
ĐẠO PHẬT NGÀY NÀY 
Người sáng lập

THÍCH NHẬT TỪ

 

 

PHỤ LỤC 
THỜI KHÓA TU HỌC

KHÓA TU NGÀY AN LẠC 

NGÀY AN LẠC 
(Một buổi) 

       06g00: Điểm tâm 
      07g00: Tụng kinh 
      08g00: Thuyết giảng 
      09g30: Thiền ca 
      10g00: Thiền tọa 
      11g00: Ăn cơm chánh niệm 
      11g30: Kết thúc khóa tu 

KHÓA TU TUỔI TRẺ HƯỚNG PHẬT 
(Một buổi) 


      13g15: Tập hợp trên điện Phật 1
      13g30: Tụng kinh 
      14g15: Thiền tọa 
      15g00: Thuyết giảng 
      16g45: Ăn nhẹ 
      17g15: Kết thúc khóa tu

NGÀY AN LẠC 
(Trọn ngày)

 BUỔI SÁNG

      06g00: Điểm tâm 
      07g00: Tụng kinh 
      08g00: Thuyết giảng 
      09g30: Thiền ca 
      10g00: Thiền tọa 
      11g00: Ăn cơm chánh niệm 
      11g45: Chỉ tịnh 

BUỔI CHIỀU 
      13g15: Thức chúng 
      14g15: “Vì sao tôi theo đạo Phật” 
      15g30: Tụng kinh 
      16g45: Dược thực 
      17g15: Kết thúc khóa tu

 

TUỔI TRẺ HƯỚNG PHẬT
 (Trọn ngày) 

BUỔI SÁNG 
      06g00: Điểm tâm 
      07g00 - 07g45: Tụng kinh 
      08g00 - 09g15: Thuyết giảng 
      09g25 - 09g45: Thiền ca 
      10g00 - 10g45: Thiền tọa 
      11g00: Ăn cơm chánh niệm 
      11g45: Chỉ tịnh 

BUỔI CHIỀU 
      13g15: Thức chúng 
      13g30: Thiền tọa 
      14g15: Talkshow “Gương sáng” 
      16g15: Tụng kinh 
      16g45: Dược thực 
      17g15: Kết thúc khóa tu

KHÓA THIỀN VIPASSNA
 (Trọn ngày) 


      06g50: Tụng kinh 
      08g00: Pháp thoại 
      09g30: Thiền hành 
      10g00: Thiền tọa 
      11g00: Thiền ăn 
      12g00: Thiền buông thư 
      13g15: Báo thức 
      13g30: Thiền tọa 
      14g30: Thiền hành 
      15g00: Thiền tọa (Hoặc vấn đáp) 
      16g45: Dược thực 
      17g15: Kết thúc khóa tu 

THIỀN CHO NGƯỜI BẬN RỘN 
(Sáng thứ bảy, nửa buổi)

 
      07g00: Tụng kinh 
      07g30: Ngồi thiền 
      08g00: Nghe pháp 
      09g45: Ngồi thiền 
      11g00: Hoàn mãn

BÚP SEN TỪ BI 
(Chiều thứ bảy) 

      14g15: Có mặt 
      14g30: Tụng kinh 
      15g00-15g15: Giải lao, uống sữa… 
      15g15: Dạy hát kinh nhạc 
      15g30 – 16g00: Học Phật pháp 
      16g00- 16g15: Kỹ năng sống 
      16g30: Kết thúc khóa tu

 

CÁC NGÀY LỄ TRONG

HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO

(Tính theo ngày Âm lịch)

THÁNG GIÊNG
Mùng 1: Ngày Phật Di-lặc đản sanh;.
Ngày rằm: - Ngày Pháp Bảo (Māghapūjā), kỷ niệm Đức Phật nói Kinh Giải Thoát Giáo (Ovādapāṭimokkha) và là ngày đức Phật tuyên bố sẽ viên tịch. 

THÁNG HAI 
Mùng 8:  - Phật Thích-ca xuất gia. Ngày rằm: 
                - Phật Thích-ca nhập diệt. 
                - Ngày Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay 
Ngày 19: Vía Bồ-tát Quán Âm. 
Ngày 21: Vía Bồ-tát Phổ Hiền. 

THÁNG BA 
Ngày 16: Vía Bồ-tát Chuẩn-đề.

THÁNG TƯ 
Mùng 4: Vía Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. 
Mùng 8: Phật Thích-ca đản sanh. 
Ngày rằm: Theo Nam tông, đây là ngày Ðại Lễ tam hợp, kỷ niệm ba sự kiện trọng đại của Phật Thích-ca: đản sinh, thành đạo và viên tịch. 
Ngày 16: An cư kiết hạ của Tăng Ni, truyền thống Bắc tông. 
Ngày 20: Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 11-6-1963). 

THÁNG SÁU 
Ngày rằm: An cư kiết hạ của chư Tăng, Nam tông. 
Ngày 19: - Vía Bồ-tát Quán Thế Âm. 

THÁNG BẢY 
Ngày 13: Vía Bồ-tát Đại Thế Chí. 
Ngày rằm: Đại lễ Vu-lan báo hiếu. 
Ngày 30: Vía Bồ-tát Địa Tạng. 

THÁNG TÁM 
Mùng 1: Giổ tổ Thích Thiện Huệ.

THÁNG CHÍN 
Ngày rằm: Mãn hạ và dâng y công Đức (Kathina) hay còn gọi là ngày Tăng bảo, theo Nam tông. 
Ngày 19: Vía Bồ-tát Quán Thế Âm. 
Ngày 30: Vía Phật Dược Sư. 

THÁNG MƯỜI MỘT 
Ngày 17: Vía Đức Phật A-di-đà. 

THÁNG CHẠP 
Mùng 8: Phật Thích-ca thành đạo. 
Ngày rằm: Ngày tưởng niệm các bậc tiền bối phát triển đạo Phật Nguyên thủy tại Việt Nam.
Ngày 20: Hòa thượng Thích Thiện Hoa, viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, viên tịch.

 

CÁC NGÀY ĂN CHAY
 (Tính theo ngày Âm lịch) 

Hai ngày: 1 và 15. 
Bốn ngày: 1, 14, 15 và 30. 
Sáu ngày: 8, 14, 15, 23, 29 và 30. 
Tám ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24 và 30. 
Mười ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30. 
Một tháng: Tháng giêng / tháng 4 / tháng 7 hay tháng 10. 
Ba tháng: Tháng giêng, tháng 7 và tháng 10. 
Bốn tháng: Tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10. 
Trường trai: Quanh năm suốt tháng.
              Ăn chay là nuôi dưỡng lòng từ bi, là phương pháp giữ gìn sức khỏe và sống thọ. Người ăn chay phải giữ tâm trong sạch, tránh điều tội ác, làm việc nhân từ, thương người mến vật và tu tập các công đức.