Với sự tìm hiểu về đông y, nghiên cứu, trau dồi kiến thức Phật học, tâm lý học, xã hội học, tâm lý trị liệu, y khoa tâm thần, trong hơn hai thập niên qua, Thượng tọa Thích Nhật Từ luôn kiên nhẫn, miệt mài giúp đỡ cho các bệnh nhân bị vấn đề về tâm lý, tâm thần có nhu cầu chữa trị. Đây là một hạnh nguyện cao cả mà quý Tôn đức Tăng Ni ngày nay rất chú trọng nhằm giúp đỡ, điều trị và phục hồi sức khỏe tâm lý, tâm thần cho Phật tử và những người hữu duyên.

Chúng ta nên có nhận thức và nhận định đúng đắn về bản chất, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục, chữa trị các bệnh lý mất ngủ, trầm cảm, cảm giác tự tử, rối loạn tâm thần đa nhân cách, rối loạn tâm thần hoang tưởng,… Bởi vì nếu muốn điều trị dứt điểm các căn bệnh trên, bên cạnh việc nỗ lực thực hiện theo đúng phương pháp, chúng ta cần phải có chánh kiến, chánh tư duy và mạnh mẽ bài trừ những sự ngộ nhận sai lầm, mang nặng màu sắc mê tín dị đoan, phản khoa học, phản nhân quả.

Trong công tác điều trị các bệnh lý tâm thần, trước tiên, vị bác sĩ, người hướng dẫn chữa trị cần nhẫn nại, chịu khó lắng nghe sự chia sẻ của bệnh nhân để có những thông tin sơ bộ về bệnh tình của họ. Thứ hai, việc truy tìm nguyên nhân gây bệnh cũng vô cùng quan trọng mà hầu hết có thể bắt nguồn từ lối sống, lối sinh hoạt kém lành mạnh như: nghiện rượu bia; thức khuya xem phim ảnh; ham chơi game; nghiện dùng internet, mạng xã hội; sử dụng các chất kích thích, độc hại như chơi ma túy, đập đá, hút keo, hít bóng cười,… Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng có thể bắt nguồn từ những biến cố trong cuộc sống, ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm lý như bị thất tình, thất nghiệp, thất bại, bị phản bối, lừa lọc, dối gạt,… Khi biết đúng nguyên nhân gây ra khổ đau thì chúng ta sẽ có giải pháp thích hợp để đối trị lại nó. Tiếp theo đó, chúng ta cần cam kết điều trị xuyên suốt và sẽ chữa hết bệnh cho bệnh nhân, nhằm giúp họ có niềm tin và động lực để vượt qua khổ não. Cuối cùng, đó là sự phối hợp nhuần nhuyễn và hết mình giữa thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình trong công tác điều trị.

Về bản chất, các bệnh lý đã nêu đều có mẫu số chung về nguyên nhân gây bệnh, cho nên chúng cũng tương đồng về giải pháp điều trị. Trước tiên, bên cạnh việc nâng cao chế độ dinh dưỡng, thì cũng cần tăng cường sức khỏe thể chất của người bệnh bằng các cách như chiếu đèn tia hồng ngoại sau gáy, xoa hai bàn tay sau cổ, tập thể dục, thể thao và làm các công việc nhẹ nhàng, vừa sức. Bên cạnh đó, chúng ta tăng cường các hoạt động nâng đỡ cảm xúc, nâng dậy tâm hồn cho họ bằng những lời khen, sự khuyến khích, động viên, những lời nói tốt đẹp, thiện lành; tránh những lời nói, thái độ, cách cư xử tiêu cực như mắng chửi, la hét, chì chiết, rủa xả,…gây ức chế tâm lý rất lớn cho họ. Chúng ta nên hạn chế việc để bệnh nhân lủi thủi, loay hoay một mình trong không gian riêng của chính họ, mà nên tạo nhiều điều kiện, cơ hội để họ giao lưu, tiếp xúc với nhiều người hơn để họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng. Ngoài ra, chúng ta có thể tặng cho họ những bài pháp thoại, những quyển sách trị liệu tâm lý và nhờ người thân giúp họ duy trì việc tiếp nhận những chất liệu chữa trị đó với thời lượng và tần suất phù hợp một cách kiên trì và khoa học. Về phía bệnh nhân cũng cần thay đổi những thói quen, hành vi, lối sống xấu như mê nghiện các hình thức nghe nhìn vô bổ, các chất kích thích độc hại và duy trì, tăng cường việc “tự kỷ ám thị”, tức là phải tự động viên, tự vực dậy tinh thần của bản thân, cảm nhận được cuộc sống của mình là quý báu, có giá trị, có lợi ích, hữu dụng cho mình và cho mọi người.