︵‿︵‿୨୧‿︵‿︵
Xuất phát từ tinh thần này cùng với tâm nguyện giúp những người hữu duyên tìm về chánh đạo, tu tâm dưỡng tính, năm 1946, cư sĩ Trần Phú Hữu - một công chức của Chính phủ - đã phát tâm xây dựng chùa Giác Ngộ trên lô đất 695m2. Chùa Giác Ngộ thời bấy giờ tọa lạc tại số 36, đường Jean Jacques Rousseau, sau đó đổi thành số 90 đường Trần Hoàng Quân và sau 1975 là số 92, Đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 03, Quận 10, TP. HCM. Lúc ấy, ngoài ngôi chánh điện nhỏ chỉ đủ chỗ cho khoảng 80 Phật tử tu học, còn lại là tòa học đường một trệt, ba lầu, xen lẫn với vài ngôi mộ.
Vào ngày 21/5/1956, cư sĩ Trần Phú Hữu đã hiến cúng toàn bộ đất và chùa Giác Ngộ cho Giáo hội Tăng Già Nam Việt. Trị sự trưởng của Giáo hội này lúc bấy giờ là Hòa thượng Thích Thiện Hòa - Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng là Giám đốc Phật học đường của Giáo hội Tăng già Nam Việt. Đại diện Giáo hội đã tiếp nhận và xây dựng chùa Giác Ngộ vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Sau đó, cư sĩ Trần Phú Hữu đã phát tâm xuất gia và trở thành Đại đức Thích Thiện Đức.
Năm 1959, Giáo hội Tăng già Nam Việt xin phép Chính phủ thành lập Trường Trung - Tiểu học Bồ-đề Chợ Lớn tại chùa Giác Ngộ, do Thượng tọa Quảng Liên làm Hiệu trưởng. Từ năm 1964 đến năm 1975, Trường do Thượng tọa Quảng Chánh và Đại đức Dương Đức Hạnh lần lượt làm Hiệu trưởng. Chương trình đào tạo gồm 2 cấp tiểu học và trung học đệ nhất cấp. Về tiểu học có 12 lớp, mỗi lớp trên 120 học sinh, dạy từ lớp Năm đến lớp Nhất. Chương trình Trung học đệ nhất cấp có 16 lớp, dạy từ đệ nhất đến đệ tứ, mỗi lớp có trên 65 học sinh. Tổng cộng tiểu học có 1.440 học sinh, trung học đệ nhất cấp có 1.040 học sinh.
Trường Trung - Tiểu học Bồ-Đề Chợ Lớn
Vào ngày 21/5/1970, chùa Giác Ngộ được HT. Thích Thiện Hòa trùng tu lần đầu tiên theo giấy phép số 171 của Sở Thiết kế Đô Thành Sài Gòn. Sau ngày 30/4/1975, cùng chung số phận của các trường tư thục lúc bấy giờ, trường Bồ-đề Giác Ngộ - Chợ Lớn đã bị đóng cửa.
Vào năm 1979, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cố vấn Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang, đã thành lập Phật học viện Sơ đẳng Thiện Hòa tại chùa Giác Ngộ. Đây là một trong 4 trường Phật học hiếm hoi trên toàn quốc lúc bấy giờ.
Chương trình học chia làm 3 cấp. Sơ cấp 1 gồm 2 năm, học tại chùa Giác Ngộ. Sơ cấp 2 gồm 2 năm, học tại chùa Giác Sanh. Trung cấp 3 năm, học tại chùa Ấn Quang. Từ năm 1981 đến 1984, Phật học viện Sơ đẳng Thiện Hòa tại chùa Giác Ngộ trực thuộc quản lý hành chính của Ban Giáo dục Tăng Ni TP.HCM. Với số lượng hơn 300 Tăng Ni sinh, chia làm 3 lớp, trong suốt 6 năm, Phật học viện Sơ đẳng Thiện Hòa tại chùa Giác Ngộ gặp nhiều khó khăn, do hoàn cảnh kinh tế khủng hoảng lúc bấy giờ.
Đến năm 1984, do chính sách giáo dục của nhà nước lúc đó, cùng chung số phận của các trường Phật học khác trên toàn quốc, Phật học viện Sơ đẳng Thiện Hòa tại chùa Giác Ngộ bị đình chỉ hoạt động. Phần lớn các vị Tăng, Ni tốt nghiệp tại Phật học viện Sơ đẳng Thiện Hòa tại chùa Giác Ngộ đều trở thành các vị Tăng tài trong Phật giáo, tham gia lãnh đạo các cấp giáo hội, đặc biệt là cấp Ban Trị sự Phật giáo tại một số tỉnh miền Tây và ở hải ngoại.
Hơn 60 năm hình thành và phát triển, chùa Giác Ngộ là nơi mà các bậc cao Tăng tài đã từng hành đạo, nổi bật trong số đó là HT. Thích Đạt Thanh (1853 - 1973), Thượng chủ của Giáo hội Tăng già Nam Việt là trụ trì chùa Giác Ngộ đầu tiên; HT. Thích Thiện Hòa (1918 - 1973), Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất), người xây dựng mới chùa lần thứ 1; HT. Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ GHPGVN, đã từng ở chùa Giác Ngộ vào thập niên 50 khi còn là học Tăng, và HT. Thích Thiện Nhơn, đương kim Chủ tịch GHPGVN, nguyên là Hiệu Phó thường trực Phật học viện Thiện Hòa đặt trụ sở tại chùa Giác Ngộ, suốt 06 năm.
Các trụ trì tiền nhiệm gồm HT. Thích Nhất Thanh, HT. Thích Nhất Niệm, HT. Thích Thiện Huệ và TT. Thích Nhật Bình. Trụ trì hiện tại của chùa Giác Ngộ là TT. Thích Nhật Từ (1992-1994, 2002-nay), người có công trùng tu chùa hoàn toàn mới. Từ năm 1984 đến nay, chùa Giác Ngộ, dưới sự cố vấn của quý Hòa thượng Tổ đình Ấn Quang, đặc biệt là HT. Thích Trí Quảng và HT. Thích Nhật Quang, đã trở thành nơi sinh hoạt tu học thịnh hành của khoảng 30 Tăng sĩ và hàng nghìn Phật tử.
Nhiều thầy xuất thân từ chùa Giác Ngộ đã xuất dương làm đạo thành công tại Hoa Kỳ, Canada, châu Âu, châu Úc. Trong nước, hiện có nhiều thầy tốt nghiệp cử nhân Phật học, cử nhân các ngành khoa học xã hội, các Thạc sĩ Phật học, năm (05) thầy đã đỗ Tiến sĩ Phật học, Triết học và châu Á học. Cũng có thầy đang giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM. Có nhiều thầy làm trụ trì ở nhiều tỉnh thành, gánh vác nhiều Phật sự quan trọng của Giáo hội. Cũng có thầy hiện là giảng sư được nhiều Phật tử mến mộ trong cũng như ngoài nước.
Trải qua hơn 60 năm phục vụ, chùa Giác Ngộ đã xuống cấp và không đủ điều kiện phục vụ các sinh hoạt tu học của Tăng đoàn và Phật tử như mong đợi. Chánh điện, lầu 1 và lầu 2 đã bị dột trên 15 năm. Sau gần 20 năm giải quyết tranh chấp đất, nhờ Tam bảo gia hộ, chùa đã được Sở Xây dựng TP.HCM (tại công văn số 129/GPXD, ký ngày 30/7/2012) cấp giấy phép xây dựng mới toàn bộ. Công trình xây dựng mới chùa Giác Ngộ gồm 1 tầng hầm để xe, 1 tầng trệt và 7 lầu, với tổng diện tích xây dựng là 4.735m2.
Bên cạnh tòa chánh điện 7 tầng vừa nêu, chùa Giác Ngộ có dãy Tăng xá và bên phải từ ngoài nhìn vào còn có dãy nhà thờ cốt của thân bằng quyến thuộc các Phật tử đã quá vãng. Với sự ủng hộ nhiệt thành của quý Phật tử gần xa, công trình xây dựng mới ngôi Tam bảo đã hoàn tất sau 36 tháng, với tổng chi phí xây dựng trên 68 tỷ đồng. Buổi lễ khánh thành đã được tổ chức trong khóa tu Ngày An Lạc lần 06, Chủ nhật, ngày 28/8/2016.
Chùa Giác Ngộ là nơi biên tập và xuất bản Đại Tạng Kinh Việt Nam (MP3) tủ sách Đạo Phật Ngày Nay trên 250 quyển, sách nói Phật giáo trên 150 CD, Âm nhạc Đạo Phật Ngày Nay trên 150 CD và VCD và khoảng 4.800 bài pháp thoại của Thượng tọa Nhật Từ.
Chùa Giác Ngộ còn là nơi tổ chức các khóa tu An lạc, khóa tu Tuổi trẻ, khóa tu Búp sen từ bi, khóa tu Xuất gia gieo duyên, khóa tu thiền Vipassana và thiền cho người bận rộn. Hằng năm, chùa Giác Ngộ tổ chức 8-10 lần hiến máu nhân đạo (500-600 người/ lần), hiến mô tạng và hiến thi thể (khoảng 550-650 người/ năm), cúng dường học bổng du học nước ngoài, học bổng cho Tăng Ni và sinh viên trong nước, làm từ thiện mang lại phúc lợi cho hàng ngàn gia đình.
Sau hơn 60 năm phát triển cùng thời gian, chùa Giác Ngộ đã có được một diện mạo mới như ngày hôm nay qua nhiều lần trùng tu và xây dựng. Từ năm 2002, chùa Giác Ngộ được sử dụng theo tông chỉ “Phụng sự nhân sinh - Tốt đời đẹp đạo”, không chỉ là địa chỉ tu tập quen thuộc, mà còn là nơi thường xuyên tổ chức các Phật sự nhập thế như: từ thiện, hoằng pháp, giáo dục và văn hóa nhằm mang lại phúc lạc và hạnh phúc cho số đông như đức Phật đã chủ trương.
Sau lần trùng tu vào cuối năm 2013- 2016, công trình chùa Giác Ngộ mới gồm có 2 tòa: tòa chánh điện và tòa tăng xá. Tòa chánh điện gồm 7 tầng lầu. Tòa Tăng xá hình L, cạnh dài 1 trệt 2 lầu và cạnh ngắn gồm 1 trệt 3 lầu. Toàn bộ phần mỹ thuật chùa đều do TT. Nhật Từ trực tiếp chỉ đạo, với lối kiến trúc thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam, tuy mang đậm nét văn hóa Phật giáo thời Lý cổ điển nhưng lại rất hiện đại và độc đáo nhằm hướng đến việc sử dụng triệt để các tiện ích kết cấu nhằm phục vụ hiệu quả cho việc tu học.
Tầng trệt gồm văn phòng chùa, phòng khách, nhà sách Đạo Phật Ngày Nay và văn phòng của Quỹ Đạo Phật Ngày Nay. Từ cổng chính đi vào có hai thang máy đối xứng, dẫn trên các tầng trên, kế đến là văn phòng tiếp lễ. Nhà sách và văn phòng Quỹ Đạo Phật Ngày Nay nằm hai bên đối xứng nhau, phía sau là nhà bếp và Tăng xá. Giữa trung tâm của tầng trệt là phòng tiếp khách của chùa.
Lầu 1 là Chánh điện (khoảng 400 chỗ), lầu 2 là gác lửng Chánh điện (khoảng 220 chỗ), lầu 3 là Thiền đường (khoảng 430 chỗ), lầu 7 là Tháp Phật. Lầu 4, lầu 5 và lầu 6 là các phòng học và phòng chức năng.
Chùa Giác Ngộ có sức chứa 1.300 người sinh hoạt tu học cùng một lúc. Tòa Tăng xá có hình L, có sức chứa 40 người. Kế bên nhà bếp là Địa Tạng đường, nơi thờ tro cốt của thân bằng quyến thuộc các Phật tử đã quá vãng.
Tọa lạc tại khu trung tâm quận 10, chùa Giác Ngộ có diện tích sử dụng khá khiêm tốn với chỉ 4.735m2. Khi thiết kế xây dựng, yếu tố cảnh quan được quan tâm. “Vườn tường đứng” là giải pháp hiệu quả cho thiết kế chùa Giác Ngộ. Việc thiết kế cảnh quan xanh theo hai bên vách tường không chỉ nhằm tiết kiệm diện tích mà còn đảm bảo tính mỹ quan, tăng mật độ mảng xanh cho không gian hẹp.
Ở sân chùa có tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trong tư thế đứng. Không khó để nhận ra, đây là một bức tượng khá đặc biệt, không phải vì chiều cao, vì chất liệu mà là sự gần gũi mà bức tượng mang lại. Với gương mặt mang vẻ đẹp hiền hòa rất Việt, Bồ-tát khoác trên mình chiếc áo tứ thân, trang phục truyền thống của người Việt Nam. Đây chính là điểm làm nên sự nổi bật, khác biệt với các pho tượng thông thường mang hơi hướng Phật giáo Trung Hoa.
Phía sau bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm là bức tranh gốm sứ, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt với cảnh thôn quê thanh bình, trẻ em nô đùa trên cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, dưới sông thuyền đò neo bến, thấp thoáng những đóa sen hồng nở ngát hương.
Điểm nhấn trong toàn thể bức tranh chính là hình ảnh ngôi chùa với chuông chùa vang vọng, hình ảnh đoàn Tăng sĩ trong màu áo lam khất thực vào thôn như gợi về Phật giáo nguyên thủy “Bình bát cơm ngàn nhà/Thân đi muôn dặm xa”.
Nằm vị trí đối xứng với bức tranh thôn quê Việt là bức tranh miêu tả lễ hội truyền thống Bắc bộ Việt Nam với áo tứ thân, nón quai thao, người người trẩy hội. Bức tranh không chỉ nêu bật được giá trị truyền thống Việt mà còn gợi nhớ đến cội nguồn văn hóa Việt Nam.
Chánh điện chùa ở lầu 1, nơi trung tâm của toàn bộ kiến trúc và thuận tiện cho mọi người đến lễ bái Phật. Vừa trang nghiêm, thanh tịnh vừa gần gũi, nổi bật trong chánh điện là 3 pho tượng đức Phật Thích-ca trong 3 ấn tướng “Thiền định, Xúc địa và Chuyển pháp luân”. Các vách của chánh điện là 7.500 tượng Phật thu nhỏ từ ba tượng Phật đang ngự trên tòa sen. Tất cả tạo nên không gian “Vạn Phật” vừa mỹ thuật, vừa mang lại cảm xúc thiêng thiêng liêng, tôn kính đối với đức Phật cũng như nhắc nhở Phật tử mỗi phút giây đều chánh niệm, tỉnh thức - nền tảng an lạc giải thoát của nhà Phật.
Bên cạnh lối kiến trúc mỹ thuật mang phong cách truyền thống, hòa quyện tinh tế với yếu tố hiện đại, cơ sở vật chất của chùa Giác Ngộ khá đầy đủ, với nhiều tiện nghi như máy lạnh, thang máy, tủ đựng đồ cá nhân… nhằm phục vụ một cách hiệu quả các sinh hoạt tu học của Phật tử.
Như một chứng nhân lịch sử, xuyên suốt hơn 60 năm, chùa Giác Ngộ đã chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống. Giờ đây, với diện mạo hài hòa giữa mỹ thuật truyền thống và hiện đại, chùa Giác Ngộ đã hòa mình vào nhịp chảy sôi động của thế kỷ mới. Tìm hiểu những phác họa về kiến trúc và mỹ thuật trang trí của chùa Giác Ngộ để thấy rằng những ngôi chùa Việt luôn gắn bó rất mật thiết với đời sống xã hội, phong cách kiến trúc, điêu khắc của dân tộc. Qua đó thể hiện nét tinh hoa và bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và thợ lành nghề Việt.
Vẻ đẹp kiến trúc và mỹ thuật điêu khắc của chùa Giác Ngộ đã tạo nên sức hấp dẫn cho du khách thập phương, đóng góp vào việc giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt nói chung.
︵‿︵‿୨୧‿︵‿︵