Pháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻ

18/07/2023

Hàng năm, cứ độ vào mùa hè, các chùa trên khắp cả nước đều tổ chức các khoá tu ngắn hạn dành cho cộng đồng Phật tử, nhất là các bạn trẻ, độ tuổi học sinh – sinh viên. Đây là thời gian quý báu để đại chúng cùng vân tập về mái già lam để cùng nhau tu tập, dưới sự hướng dẫn của Tăng đoàn.

Nhận lời thỉnh mời từ Ban Tổ chức của Khoá tu và Chư tôn đức Tăng chùa Kỳ Viên, chiều ngày 16.7.2023, Thượng toạ giảng sư Thích Nhật Từ - Uỷ viên Thường trực HĐTS Trung ương GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tại TP HCM – đã quang lâm bảo điện chùa Kỳ Viên (Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để chia sẻ bài pháp thoại đến với quý hành giả, bài pháp thoại mang tên: Các vấn nạn của tuổi trẻ.

Thanh niên tuổi trẻ là độ tuổi từ 15 đến 30. Đây là giai đoạn tuổi trẻ thanh xuân đẹp nhất, tuy nhiên cũng không khỏi gặp những khó khăn, thử thách và vấn nạn.

Thứ nhất, vấn nạn về thiếu sự chăm sóc từ cha mẹ. Đây là một thiệt thòi lớn đối với thanh thiếu niên. Nguyên nhân có nhiều, trong đó phải kể đến là vì sự xung đột, mâu thuẫn, đổ vỡ hạnh phúc, dẫn đến li hôn của các bậc cha mẹ mà sự thiệt thòi để lại cho các con là không thể tránh khỏi. Hậu quả là, các con sẽ bị rơi vào tình thế chọn một trong hai: hoặc cha hoặc mẹ. Các con sẽ bị tổn thương và bị ám ảnh, có thể theo suốt cuộc đời. Là người tu học Phật, chúng ta không nên quan niệm “con là nợ, vợ là oan gia”. Thay vào đó, xem vợ chồng và con là nhân duyên. Nhân duyên gồm ba tiêu chí: Sự chung thủy trong suốt cuộc đời với vợ, chồng; Vì vô thường, người ra đi trước cam kết chờ đợi về sự gắn bó, thương yêu ở kiếp sau; người ở lại cũng một lòng thủy chung, một lòng tưởng nhớ và tôn trọng người ra đi. Có được các tiêu chí trên, các gia đình sẽ có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc trọn vẹn. Gia đình hạnh phúc, đầm ấm hay đau khổ, xung đột thì đều có sự ảnh hưởng đến tâm sinh lí, lối sống, nhân cách và sự phát triển cũng như sự thành công của người con, về trước mắt lẫn lâu dài.

Thứ hai, vấn nạn về áp lực từ gia đình. Hiện nay, một số gia đình còn có những quan niệm còn lạc hậu. Bao gồm: Áp lực về hôn nhân, khi cho rằng con cái phải chịu sự sắp đặt của cha mẹ, gia đình về mọi mặt khác nhau, bao gồm sự nghiệp, tình yêu, hạnh phúc; Áp lực do kì vọng quá lớn từ bậc cha mẹ, khi mong muốn con cái phải đạt được những mong muốn quá sức, vượt ngoài khả năng của các con. Hậu quả là, các con sẽ bị stress, căng thẳng, thậm chí có những hành động tiêu cực, giải thoát bằng cách tự tử. Đây là một điều đáng tiếc. Giải pháp đưa ra, Thượng toạ nhấn mạnh, làm bậc cha mẹ cần lắng nghe, quan sát và tư vấn cho các em, nhất là vào mỗi mùa thi quan trọng. Giảng sư cho biết thêm, giáo dục Phật giáo coi trọng việc khen thưởng và khích lệ, hạn chế phê bình hay đưa ra các hình phạt. Ngoài ra, lựa chọn nghề nghiệp phải do chính các con lựa chọn dựa vào sự tư vấn, tham khảo và lắng nghe từ các nguồn, cha mẹ không nên ép buộc con phải theo nghề mà mình thích.

Thứ ba, vấn nạn về hình ảnh thể chất. Không ai được quyền chọn cha mẹ. Phận làm con, kế thừa gen di truyền của cha mẹ là điều hiển nhiên. Là người tu học Phật, không nên chấp vào hình tướng với hai trạng thái cảm xúc: quá tự hào về ngoại hình hay quá tự ti về ngoại hình. Theo đó, người quá tự hào về phước tướng sẽ dẫn đến bản thân người đó bị tổn phước, ỷ lại. Người tự ti về ngoại hình sẽ bị mặc cảm, rối loạn cảm xúc thậm chí bạo lực vì sự tự ti hay do sự phân biệt màu da, sắc tộc. Thượng tọa gửi gắm đến Phật tử, cần trau dồi tu học, để có những kiến thức, kĩ năng và thực hành; không chấp vào hình tướng. Bởi càng chấp là càng khổ. Thay vào đó, hãy có những việc làm cụ thể mang lại lợi lạc cho cuộc đời.

Thứ tư, vấn nạn về thiếu giáo dục. Hiện nay, tại Việt Nam, tỉ lệ học sinh học hết chương trình các bậc học và tham gia kì thi Đại học rất thấp. Trong khi bằng cấp tối thiểu hiện nay trên toàn cầu là Cử nhân. Để đạt được được điều đó, bên cạnh những cải cách về chương trình và ưu đãi giáo dục, mỗi bản thân cần phải nỗ lực, có chí phấn đấu, tự thân vươn lên. Nhắn nhủ đến các bậc làm cha mẹ, Thượng toạ nêu cao vai trò làm gương về sự thành công của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến các con. Để từ đó, các con sẽ hoạch ra những phương hướng và mục tiêu thực hành. Đạo Phật đề cao trí tuệ. Nương vào và vận dụng tối đa thì thành công nhất là điều khả thi.

Thứ năm, vấn nạn về nghiện rượu, bia và các chất kích thích, gây nghiện khác. Hiện nay, giới trẻ có những cách thể hiện để chứng minh rằng mình trưởng thành nhưng lại theo chiều hướng tiêu cực, sa vào những thú khoái lạc vô ích, nghiện ngập: thuốc lá, rượu bia, cờ bạc, ma túy, ... Hậu quả để lại khôn lường, sa sút về sức khoẻ, kiệt quệ về tài chính, rối loạn về cảm xúc, tâm trí. Giới trẻ cần chứng minh sự trưởng thành về thể chất và trí tuệ. Về thể chất, sự trưởng thành được biểu hiện ở gương mặt với các biểu hiện cảm xúc khác nhau. Về trí tuệ, sự trưởng thành được biểu hiện ở nhận thức, suy nghĩ chín chắn, tích cực. Lời khuyên được đưa ra, Thượng toạ giảng sư đề cao vai trò của gia đình, cha mẹ. Cha mẹ là tiên phong và là gương sáng trong vấn đề dẫn dắt các con đi đúng hướng. Cha mẹ cần nêu cao sự từ bi gắn liền với trí tuệ để giáo dục, định hướng đường đi của các con.

Thứ sáu, vấn nạn về trầm cảm. Hiện nay trên thế giới, có khoảng hơn 40% dân số toàn cầu bị trầm cảm ở mức độ nhẹ. Trầm cảm là hệ quả của stress quá mức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến stress, lâu dài để lại hậu quả trầm cảm. Do chấp về cảm xúc, thiếu sự quan tâm, yêu thương, do thiếu hoặc không tương tác xã hội, do đặc thù của môi trường, khí hậu sống,... Hậu quả để lại rất nhiều, trong số đó đáng báo động là tỉ lệ tự tử có xu hướng nhiều do áp lực, trầm. Thượng tọa đưa ra giải pháp, trước hết là truy tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp và thực hành kiên trì để giải quyết các vấn nạn về nỗi khổ niềm đau trong đời sống.

Trước khi kết thúc buổi giảng, Thượng toạ giảng sư đã dành thời gian để lắng nghe tâm tư cũng như trả lời giải đáp những thắc mắc của các bạn trẻ. Thông qua đó, các bạn trẻ đã được tháo mở những hoài nghi, trang bị cho mình thêm kiến thức, kĩ năng, phương pháp và đạt được sự an lạc trọn vẹn trong khoá tu cũng như trong đời sống.

Thời giảng pháp kết thúc, tất cả quý Phật tử ở đạo tràng chùa Kỳ Viên đều hoan hỉ, bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến Thượng toạ giảng sư và cam kết ghi nhớ khắc sâu những lời chia sẻ quý báu từ Thượng toạ, lấy đó làm bài học, hành trang cho cuộc đời.

Tin: Ngộ Tự Chung

Ảnh: Ngọc Đông

Pháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻPháp thoại Các vấn nạn tuổi trẻ

Chùa Giác Ngộ