Nhận lời mời thỉnh của Ban Tổ chức khóa tu và Chư tôn đức Ni chùa Bảo Quang (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà), sáng ngày 16/07/2023, TT.TS. Thích Nhật Từ, Uỷ viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Phật giáo quốc tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế tại TP HCM đã quang lâm đến đạo tràng khoá tu, chia sẻ với hơn 200 Phật tử thời pháp âm ý nghĩa làm hành trang cho những ngày tu học trong mùa hè này.
Với đề tài "Sai lầm của tuổi trẻ", từ pháp tòa, Thượng tọa giảng sư đã chia sẻ những sai lầm của tuổi trẻ. Tuổi trẻ là giải đoạn thanh xuân, lứa tuổi đẹp nhất và là lứa tuổi cần sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, ở tuổi trẻ còn những hạn chế nhất định, trong đó có những sai lầm mà tuổi trẻ cần nhận thức rõ và nên tránh.
Sai lầm thứ nhất, tuổi trẻ chỉ tập trung vào việc học và nỗ lực thi đậu vào một môn hoặc các bậc học một cách đối phó (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Đại học, Cao học, Sau đại học). Theo đó, Thượng tọa cho rằng, bản chất của việc học là trau dồi kiến thức và kĩ năng để áp dụng vào đời sống, vận dụng một cách thực tiễn, chứ không nên dừng lại ở việc học để đáp ứng cho mục đích thi cử. Bên cạnh đó, khi học tập cần có thái độ tự giác, tự nghiên cứu, đọc nhiều tài liệu và suy ngẫm. Với kinh nghiệm của bản thân, Thượng toạ nhấn mạnh thêm, tuổi trẻ cần hạn chế lạm dụng các thiết bị giải trí nghe nhìn, nên đọc sách, các nguồn tài liệu, tập trung vào việc học một cách có phương pháp và có mục tiêu.
Sai lầm thứ hai, tuổi trẻ bỏ học quá sớm. Tỉ lệ các bạn trẻ học sinh tham dự các kì thi tốt nghiệp, đại học còn thấp. Điều này phản ánh một thực tế đáng báo động về số lượng học sinh, sinh viên bỏ nửa chừng hoặc không tham gia các kì thi. Vì bỏ học quá sớm nên các bạn trẻ đã vào đời sớm, với sự lam lũ mưu sinh. Tuổi trẻ cần tránh suy nghĩ chỉ cần học hết phổ thông là đủ. Đây là một quan niệm sai lầm. Thế hệ ngày nay, cần nỗ lực và phấn đấu học, tốt nghiệp bằng Cử nhân là tối thiểu. Thượng tọa nhấn mạnh, sự thành công trong cuộc sống phải được đánh đổi từ học thức mà có.
Sai lầm thứ ba, tuổi trẻ quá đề cao chỉ số thông minh (IQ). Người có chỉ số thông minh cao thì việc học rất nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, công việc và đời sống thực tế lại cần và đề cao trí tuệ. Bởi theo Đạo Phật, "duy tuệ thị nghiệp", yếu tố trí tuệ rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến yếu tố về chỉ số thông minh cảm xúc. Tuổi trẻ cần thích ứng với thế giới xung quanh. Là người thông minh cảm xúc cần nắm rõ quy luật nhân quả để có được những thành công trong cuộc sống. Thượng tọa khuyên các bạn trẻ nên tìm đọc các Tự truyện của các nhà lãnh đạo, những doanh nhân, những người thành công nổi tiếng trên thế giới để làm tấm gương học tập và phấn đấu. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần đọc các sách Kinh Phật để mở thêm trí tuệ.
Sai lầm thứ tư, tuổi trẻ đánh đành hạnh phúc với tiền bạc. Tuổi trẻ cần nỗ lực kinh doanh, làm giàu cho bản thân bằng kinh nghiệm bản thân hoặc từ bài học của những người thành công. Nhưng đánh đồng sự giàu có với hạnh phúc là sai lầm. Thay vào đó, tuổi trẻ cần trau dồi hơn về đời sống tinh thần, tình cảm với những giá trị đạo đức. Là người tu học Phật, sự phấn đấu làm giàu là cần thiết, là nhu cầu chính đáng. Nhưng điều quan trọng hơn là sống có lí tưởng, có hoài bão và sống hữu ích, biết dấn thân, sống có sự dung hoà và phát triển các mối tình cảm trong gia đình, bạn bè và xã hội.
Sai lầm thứ năm, tuổi trẻ sống thử và chọn sai người. Tại Việt Nam, việc sống thử dẫn để hậu quả nghiêm trọng chiếm tỉ lệ cao trong khu vực và trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân: Do gia đình thiếu quan tâm, do nhà trường chưa quan tâm về bộ môn Đạo đức giảng dạy trong học đường, do quan niệm đời sống này không có luân hồi, tuổi trẻ sống buông thả, tuổi trẻ thích hưởng thụ quá sớm. Giải pháp được giảng sư đưa ra là, cần xây dựng mối quan hệ an toàn và bền vững. Tuổi trẻ cần tìm đến với những thú vui bổ ích về sức khoẻ và cảm xúc, cần tránh những trò chơi hưởng lạc, sa đoạ để lại những hậu quả đáng tiếc không mong muốn. Là người Phật tử, chúng ta nên chọn bạn đời gắn bó với mình là Phật tử để có những hiểu biết và cuộc sống hạnh phúc hơn.
Sai lầm thứ sáu, tuổi trẻ phí phạm tiền bạc và thời gian. Tuổi trẻ không nên đua đòi chạy theo vật chất. Theo đó, bậc làm cha mẹ không nên vì quá thương con mà đáp ứng, nuông chiều với những đòi hỏi xa xỉ. Việc đua đòi hay lạm dụng về tiền bạc, vật chất, điện thoại, laptop,... sẽ dẫn đến các bạn trẻ thụ động, ít tương tác với thế giới xung quanh, ảnh hưởng đến tâm lí, tình cảm và hệ thần kinh. Là học sinh, sinh viên, các bạn trẻ nên đầu tư dành nhiều thời gian cho việc học. Không những học kiến trong sách vở, người học cần tự học, học kĩ năng, phương pháp, tiếp thu thêm hiểu biết về văn hóa, xã hội và điều quan trọng là phải thực hành vận dụng vào đời sống. Là người tu học Phật, các bạn trẻ hãy nói không với sự lãng phí, thay vào đó là cần tiết kiệm, dành thời gian đầu tư, nghiền ngẫm đọc sách và dùng chất xám để xây dựng và phát triển cuộc sống thực sự có giải trị và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh.
Trước khi kết thúc buổi giảng, Thượng tọa giảng sư đã dành thời gian lắng nghe và giải đáp thắc mắc của các Phật tử. Thông qua thời pháp giảng quý báu này, hơn 200 Phật tử hiện diện trong Khóa tu ở chùa Bảo Quang (Cam Lâm - Khánh Hoà) có thêm những bài học để cùng suy ngẫm và hành trì. Từ đó, đời sống tinh thần của chúng ta sẽ được nhiều giá trị hữu ích hơn. Đây chắc chắn là chất liệu vô giá kiến thiết nên sự an tĩnh, hỷ lạc trong đời sống hiện tiền.
Tin: Ngộ Tự Chung
Ảnh: Ngọc Đông